Hỏi: Xin cho biết nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII?
Trả lời
Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng ta xác định kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng; thực hiện với tinh thần “trị bệnh cứu người”, trách nhiệm, tính đảng cao, làm rõ bản chất sự việc để kết luận. Bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng, công tác kiểm tra, giám sát từng bước được nâng cao về chất lượng; góp phần bảo đảm đường lối lãnh đạo của Đảng và việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết đúng mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Thông qua việc kiểm tra, xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đã giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được chỉ đạo tập trung, quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, có nhiều đổi mới, có hiệu lực, hiệu quả, nhất là ở cấp Trung ương; hoạt động của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được tăng cường, ngày càng siết chặt kỷ luật, kỷ cương”(1) và nhấn mạnh: “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”(2) thể hiện ở một số nội dung sau:
Một là, “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát”(3).
Chất lượng của các quy định có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Bởi, nếu quy định đúng sẽ tạo cơ sở cho công tác kiểm tra đi đúng hướng, tiến hành thuận lợi; ngược lại, quy định sai hoặc thiếu đồng bộ khiến cho công tác kiểm tra sẽ phức tạp hơn, thậm chí có khi đi chệch hướng. Để công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện theo đúng các quy định, hướng dẫn của Trung ương, đảm bảo tính “công minh, chính xác, kịp thời” thì việc thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của các tổ chức đảng, cấp ủy và cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy các cấp trong toàn Đảng phải thực hiện theo một quy trình cụ thể. Quy chế làm việc của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra là sự cụ thể hoá những nguyên tắc, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, tổ chức đảng cấp trên thành nhiệm vụ, quyền hạn, các chế độ công tác, các mối quan hệ và cách thức, phương pháp giải quyết các mối quan hệ đó, quy định thời gian, nội dung, cách thức thực hiện các chế độ phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ, tình hình, điều kiện cụ thể của tổ chức đảng và đơn vị để thống nhất thực hiện trong quá trình hoạt động của cấp ủy, làm cho các hoạt động đó đi vào nền nếp, có chất lượng. Điều này đặt ra cho cấp ủy các cấp cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Thông báo số 156-TB/TW ngày 01-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X “về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”; Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 28-7-2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 18-4-2022 về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030; Quy định số 69 ngày 06-7-2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định ở Điều lệ Đảng.
Hai là, “cải tiến, đổi mới phương pháp, quy trình, kỹ năng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ, khả thi,...”(4).
Trong lịch sử phát triển 92 năm qua của Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của đảng đã khẳng định được vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng; góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng thời gian vừa qua đã có tác dụng giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được thực hiện nghiêm túc và có kết quả cao. Do đó, tiến hành công tác kiểm tra, giám sát phải quán triệt, thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo, phương pháp cơ bản và quy trình kiểm tra, giám sát. Tùy theo tình huống cụ thể mà sử dụng phương pháp phù hợp, tuy nhiên, các phương pháp đều thể hiện tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng: có phương pháp đòi hỏi sự chính xác, kịp thời, khoa học khi thu thập chứng cứ; có phương pháp đòi hỏi sự kiên trì giáo dục, thuyết phục; có phương pháp đòi hỏi sự tham gia của nhân dân; có phương pháp cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành có liên quan... Chẳng hạn, để kiểm tra cần dựa vào tổ chức đảng; phát huy tính tự giác, tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng và đảng viên; phát huy vai trò xây dựng Đảng của nhân dân; thẩm tra, xác minh; phối hợp kiểm tra của Đảng với thanh tra của Nhà nước, thanh tra nhân dân, kiểm tra của các tổ chức chính trị - xã hội và phối hợp với các ban, ngành có liên quan. Khi tiến hành giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp đều phải giữ đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, đúng tính chất công tác đảng. Trên cơ sở đó, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên, có nền nếp, không thụ động trông chờ vụ việc xảy ra rồi mới xem xét, giải quyết; phải thường xuyên nắm vững tình hình hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, luôn coi trọng sự chủ động tự kiểm tra của tổ chức đảng và đảng viên.
Ba là, “đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; công tác hướng dẫn, chỉ đạo của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”(5).
Công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá tích cực, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự kỷ cương, thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Ðảng và Nhà nước. Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”; giám sát “mở rộng”, kiểm tra “có trọng tâm, trọng điểm”; không chờ kết quả của công tác điều tra, thanh tra; có lúc, có việc, công tác kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra đi trước làm cơ sở, “mở đường” cho công tác thanh tra, điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, làm rõ đến đâu, kết luận và xử lý đến đó. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn nhấn mạnh quan điểm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và trách nhiệm về quyết tâm chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, ngành và cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, từ đó nâng cao đạo đức, danh dự, tinh thần trách nhiệm để mọi người “không còn muốn tham nhũng”.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chỉ có thể đem lại hiệu quả thiết thực khi cấp ủy đảng các cấp, tổ chức đảng và đảng viên có nhận thức đúng, có tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao khi tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác này ở cấp mình. Có nhận thức đúng mới thấm nhuần sâu sắc, vận dụng thực hiện đúng, đầy đủ và có kết quả, đạt được mục tiêu yêu cầu đặt ra của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong toàn Đảng. Từ sự chuyển biến nhận thức, hành động của cấp uỷ sẽ thúc đẩy chuyển biến nhận thức và hành động của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong việc tích cực tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát theo đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình. Nhận thức không đúng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng thể hiện có sự buông lỏng, coi nhẹ hoặc hình thức trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Do đó, người đứng đầu cấp ủy phải xác định trách nhiệm của mình, trực tiếp, thường xuyên lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, học tập, quán triệt mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, tác nghiệp, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cho cấp ủy viên, đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng. Chú trọng công tác truyền thông, phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, cách làm hay, điển hình tốt, phát huy sự năng động, sáng tạo của tổ chức đảng, đảng viên. Tiếp tục thực hiện việc công khai kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Gắn công tác kiểm tra, giám sát với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 15-5-2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Bốn là, “Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc nổi cộm, dư luận quan tâm; xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, đồng bộ, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”(6).
Thực tiễn cho thấy, kiểm tra, giám sát là công cụ hữu hiệu để Đảng thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong toàn Đảng. Vì vậy, cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy các cấp cần tiếp tục đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; cấp ủy vừa phải trực tiếp tiến hành việc kiểm tra, giám sát có chất lượng, hiệu quả, vừa phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát theo đúng quy định của Đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát vào những nội dung trọng tâm, lĩnh vực trọng điểm như: Công tác cán bộ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; công tác quản lý đất đai; việc thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý ngân sách, đầu tư xây dựng, việc chấp hành các chủ trương, đường lối; thực hiện các nghị quyết của Đảng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; các lĩnh vực kinh tế - tài chính, tư pháp; việc lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của đảng viên và nhân dân… Đối với cá nhân những người đứng đầu cần thực hiện tốt Quy định 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra, giám sát việc các cấp uỷ, tổ chức đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực các quy định nêu gương, trong việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm theo quy định.
Năm là, “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy trong việc thể chế hóa và thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng”(7)
Cấp ủy là chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. “Các cấp ủy đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng”(8). Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy, ủy ban kiểm tra, cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy coi trọng và làm tốt tổ chức, hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên của đoàn kiểm tra, giám sát thì các cuộc kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng, thời gian, những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong quá trình kiểm tra, giám sát được giải quyết kịp thời góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát. Thời gian vừa qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra sau khi ban hành quyết định, kế hoạch kiểm tra, giám sát, các đồng chí trưởng đoàn đều có sự phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong đoàn (hoặc tổ) để thực hiện nhiệm vụ được giao như phân công nhiệm vụ cho phó trưởng đoàn, thư ký và các thành viên theo từng lĩnh vực của cuộc kiểm tra, giám sát phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ chuyên môn; có đoàn còn xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của đoàn. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng từng bước đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính nghiêm minh, giáo dục trong tổ chức đảng các cấp, được dư luận đồng tình./.
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2021, t.I, tr.75-76; t.I, tr.188; t.I, tr.188; t.I, tr.188; t.I, tr.189; t.I, tr.189; t.I, tr.190.
(8). Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2011, tr.51.
Ngọc Cảnh