Trả lời:
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Người đứng đầu Nhà nước có những nhiệm vụ và quyền hạn được Hiến pháp nêu rõ. Cụ thể như, công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Chủ tịch nước cũng có thẩm quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá.
Thẩm quyền khác của Chủ tịch nước là quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, ngày 26/7/2021. Ảnh: Internet.
Cũng theo Hiến pháp, Chủ tịch nước là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;
Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ; yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Thiết chế Chủ tịch nước đã được quy định trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959.
Đến Hiến pháp năm 1992, thiết chế Chủ tịch nước trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước đã cơ bản khắc phục được những bấp cập của mô hình “nguyên thủ tập thể” - Hội đồng Nhà nước được quy định trong Hiến pháp năm 1980.
Nhiều chuyên gia nhận định, quy định nêu trên của Hiến pháp 1992 là bước tiến quan trọng không chỉ đối với thiết chế nguyên thủ quốc gia mà còn đối với cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước trong giai đoạn đầu của quá trình đổi mới, mở cửa hội nhập với quốc tế.
Đến Hiến pháp năm 2013, thiết chế Chủ tịch nước được quy định tại chương VI với 8 điều.
Cấu trúc bộ máy của thiết chế Chủ tịch nước bao gồm: Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch nước; Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Văn phòng Chủ tịch nước.
PV.