Trả lời:
1. Chủ tịch Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội. Với vị trí là người đứng đầu cơ quan lập pháp, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2020), cụ thể như sau:
(1) Chủ tọa các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm thi hành các quy định về hoạt động của đại biểu Quốc hội, các quy định về kỳ họp Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
(2) Lãnh đạo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến chương trình, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội; ký pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(3) Chủ tọa hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
(4) Triệu tập và chủ tọa hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội bàn chương trình hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; tham dự phiên họp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi cần thiết.
(5) Chủ tịch Quốc hội giữ mối quan hệ với các đại biểu Quốc hội, theo dõi việc thực hiện các quy định của pháp luật về việc bảo đảm điều kiện để đại biểu hoạt động, cung cấp thông tin để đại biểu nắm được chương trình hoạt động và tình hình hoạt động của Quốc hội; theo dõi và đôn đốc các đại biểu Quốc hội báo cáo tình hình hoạt động của mình.
(6) Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo và tổ chức thực hiện ngân sách của Quốc hội. Ngân sách của Quốc hội là một khoản độc lập trong ngân sách nhà nước do Quốc hội thảo luận và quyết định tại kì họp cuối năm.
(7) Chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện công tác đối ngoại của Quốc hội; thay mặt Quốc hội trong quan hệ đối ngoại của Quốc hội; lãnh đạo hoạt động của đoàn Quốc hội Việt Nam trong các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực.
2. Các Phó Chủ tịch Quốc hội
Các Phó chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch. Khi Chủ tịch Quốc hội vắng mặt thì một Phó Chủ tịch Quốc hội được Chủ tịch uỷ nhiệm thay mặt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội.
PV.