Chiều 8-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (gọi tắt là Nghị quyết mới).
Phát biểu thảo luận, các đại biểu (ĐB) QH đều bày tỏ đồng tình việc cần phải có Nghị quyết mới về các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM.
ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho biết ông bản nhất trí với dự thảo, thẩm tra Nghị quyết mới cho TP HCM. Theo ĐB, khi có Nghị quyết mới, TP HCM sẽ huy động tối đa, biến tiềm năng thành khả năng, tạo đột phá mới để phát triển, làm động lực cho các địa phương trong vùng cũng như cả nước.
ĐB Mai cho rằng TP HCM là đô thị loại đặc biệt, không chỉ là cơ chế đặc thù mà cần phải có cơ chế đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần có cơ chế đi trước để TP HCM thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, là trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, hoặc đủ nhưng chưa đủ chín.
Vị đại biểu tin tưởng việc ban hành Nghị quyết mới sẽ giúp TP HCM phát huy tiềm năng lợi thế mà các địa phương khác không có. Chính quyền và nhân dân TP HCM sẽ nhanh chóng thực hiện các lợi thế để đưa Nghị quyết mới nhanh chóng đi vào thực tế. Để hòn ngọc viễn đông luôn và mãi tỏa sáng với các sắc màu tươi mới, ngày càng rực rỡ hơn, mạnh mẽ hơn.
ĐB Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội) bày tỏ nhất trí cao về việc cần phải có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 cho TP HCM. Dự thảo Nghị quyết mới dù đã có những chính sách, cơ chế mới hơn so với Nghị quyết 54 nhưng để nói đây là những chính sách mang tính mạnh mẽ, đột phá thì vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều ĐBQH.
ĐB Nguyễn Phương Thủy cho biết còn băn khoăn nhiều nội dung trong dự thảo, đề nghị Quốc hội xem xét phân quyền mạnh hơn cho TP HCM trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ...
ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cũng đồng tình việc ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM nhằm tạo điều kiện cho TP HCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và đặc biệt thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81 của Quốc hội đề ra, là rất cần thiết.
Theo ĐB Trần Khánh Thu, khi xây dựng nghị quyết mới, bên cạnh những cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực trong giai đoạn tới thì điều quan trọng hơn là cần phải có những cơ chế, chính sách mới, đủ mạnh, vượt trội để TP HCM phát triển đột phá. Nữ ĐB thống nhất với dự thảo nghị quyết, cùng với khối lượng công việc mà TP HCM phải làm ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp.
ĐB Trần Khánh Thu cho rằng những cơ chế chính sách trong lĩnh vực y tế cần có cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân đồng hành tham gia. TP HCM cần được phân cấp thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư về y tế hay các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân.
ĐB cũng đề xuất ban soạn thảo xem xét bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP cho cả lĩnh vực y tế không áp dụng hạn mức. Nếu được Quốc hội chấp thuận, ĐB kiến nghị giao HĐND TP HCM quyết định danh mục các dự án và sẽ giám sát việc thực hiện.
Về vấn đề thành lập Sở An toàn thực phẩm TP HCM, ĐB Thu cho rằng là cần thiết. Đây có thể coi là một chính sách đột phá để tham gia vào đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân từ sớm từ xa./.
Theo Người lao động