Bức tranh sáng, tối
Theo số liệu thổng kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2021 ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011 - 2019. Tính chung năm 2021, GDP năm 2021 tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%) so với năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.
Cũng theo số liệu được công bố: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,8%, lạm phát cơ bản tăng 0,81%. Trong khi Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 19%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 26,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lại giảm 3,8%. Như vậy có thể thấy năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế – xã hội nước ta vẫn duy trì tăng trưởng và đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Nền kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng, tuy không đạt được mục tiêu đề ra nhưng an sinh xã hội được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Ngành ngân hàng tăng mạnh doanh thu và lợi nhuận mạnh từ 2020 đến nay nhờ sự giúp sức của công nghệ 4.0, sự năng động trong chuyển đổi mô hình, phương thức kinh doanh cũng như việc chưa phải trích lập dự phòng rủi ro,… dù phải hạ lãi suất và thu hẹp cho vay.
Ngành chứng khoán cũng được hưởng lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế (do thu hẹp các kênh đầu tư khác) và các ưu đãi, kích thích tài chính – tín dụng. Nhờ đó, cả vốn hóa thị trường, và giá chứng khoán đã tăng mạnh, liên tiếp đạt các mốc lịch sử. Tuy vậy, có lẽ Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội trong thực hiện IPO (điều mà rất nhiều nước đã đạt các kỷ lục trong thời gian đại dịch), nhất là thúc đẩy IPO để cổ phần hóa DNNN. Lưu ý là sự bùng nổ chứng khoán và kết quả hoạt động tốt của khu vực ngân hàng là nhân tố tích cực giúp thu ngân sách Việt Nam năm 2021 đã vượt 9,5% so với dự toán; trong đó, thu ngân sách trung ương ước vượt 3,5% và thu ngân sách địa phương vượt 17,5% so với dự toán.
Triển vọng kinh tế 2022
Những điểm tích cực, tiêu cực trong bức tranh có sáng tối đan xen của nền kinh tế năm 2021 xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam đã giúp chúng ta trở thành một điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các chính sách phục hồi kinh tế và hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hiệu quả, quá trình chuyển đổi số, cải cách hành chính... cũng khiến tăng trưởng kinh tế 2021 đạt được những kết quả tích cực..
GDP năm 2021 dự kiến đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 2,2%, nếu những ngày còn lại của tháng 12 không có nhiều yếu tố sốc. Năm 2022, tuy có nhiều cơ hội và dư địa tăng trưởng cao hơn nhiều, song vẫn còn nhiều yếu tố bất định. Yếu tố thuận lợi là tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng mạnh hơn dự kiến với tiềm lực sản xuất Việt Nam tăng. Kinh tế nhiều nước về cơ bản bắt đầu ổn định hơn.
Những rào cản của kinh tế năm 2022 được dự báo là tình trạng bất định, bất ổn, bất an vẫn còn cả trong và ngoài nước. Diễn biến lây nhiễm biến thể cũ và mới vẫn còn nhiều bất định. Nguy cơ tăng lạm phát toàn cầu, chiến lược Tận diệt Covid của Trung Quốc,… đe dọa sự phục hồi mạnh hơn và tăng trưởng kinh tế của các nước đối tác kinh tế và Việt Nam. Tuy vậy, nguy cơ về độc tính của Omicron, nợ xấu và mức lạm phát có lẽ không quá lo ngại. Nền kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đạt mức tăng trưởng 5,5 - 6%, nếu không có thêm của các yếu tố mới tác động đáng kể xuất hiện.
Năm 2021 có 116.800 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1,6 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854.000 lao động, giảm 13,4% về số DN, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước. Bên cạnh đó, có 43.100 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160.000 DN, giảm 10,7% so với năm trước./.
TS Lê Xuân Sang (Theo KT&ĐT)