Đợt dịch Covid-19 bùng phát cuối từ tháng 4 đến nay cũng là thời điểm vải quả tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) bước vào vụ thu hoạch. Đây là vùng trồng vải lớn nhất của Quảng Ninh với hơn 690 ha, trong đó có gần 600 ha vải thiều chính vụ. Quả vải Đông Triều năm nay được người nông dân trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nhưng do tác động của dịch bệnh, thời điểm đầu vụ giá chỉ còn gần nửa so với vụ trước, có lúc chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg.
Để giải quyết khó khăn cho nông dân, thị xã Đông Triều đã phối hợp với các đầu mối ưu tiên phương tiện lưu thông nhanh qua các chốt kiểm soát, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị doanh nghiệp, thương lái từ Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa và một số tỉnh miền Nam vào địa phương thu mua nông sản. Cùng với đó là tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, các đơn vị ngành than hỗ trợ tiêu thụ quả vải. Một phần sản lượng vải được sấy khô để bảo quản lâu dài, phục vụ thị trường dịp Tết.
Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều cho biết: “Đến nay, 100% sản lượng vải của Đông Triều đã được tiêu thụ ổn định với giá hợp lý. Trong thời gian tới các cơ quan chuyên môn và các xã phường trên địa bàn sẽ tập trung đôn đốc, hướng dẫn người dân tập trung trồng, chăm sóc, cắt tỉa, đặc biệt sản xuất theo quy trình VietGap an toàn thực phẩm, tổ chức liên kết sản xuất để việc tiêu thụ năm tới đây sẽ thuận lợi hơn”.
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo ngành công thương, nông nghiệp và các địa phương phối hợp chặt chẽ, liên tục rà soát, thống kê hàng hoá, nông sản, hoa màu trong thời điểm thu hoạch để xây dựng, triển khai phương án hỗ trợ tiêu thụ cho người dân. Đặc biệt trong giai đoạn đầu năm khi một số địa phương trong tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội, việc sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là các địa phương sản xuất nông sản, thủy sản trọng điểm như Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn, các trung tâm thương mại, đầu mối giao thương Hạ Long, Móng Cái.
Với hình thức kết nối tiêu thụ nông sản có địa chỉ, hàng hóa được phân phối tới các kênh bán buôn, bán lẻ tại chuỗi các trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh, bếp ăn tập thể của ngành than, cơ quan, đơn vị... Đặc biệt, Quảng Ninh cũng kêu gọi, vận động người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất và kinh doanh trên địa bàn.
Chị Phạm Thu Thủy, người dân thành phố Hạ Long cho biết: “Gia đình chúng tôi rất ưa chuộng các sản phẩm từ địa phương của Quảng Ninh. Mặc dù dịch bệnh không có các hội chợ OCOP lớn nhưng tôi vẫn tìm mua được qua các siêu thị, rất mong có thêm các hội chợ để người dân có thể ủng hộ nhiều hơn sản phẩm của địa phương”.
Hiện Quảng Ninh đã đưa khoảng 300 sản phẩm OCOP lên trên sàn thương mại điện tử riêng của tỉnh, trong đó nhiều sản phẩm hút khách như trà hoa vàng, miến dong, ruốc, hàu… Sở Công Thương Quảng Ninh dự kiến sẽ tiếp tục nâng cấp kênh bán hàng trực tuyến và tăng cường quảng bá qua mạng xã hội, tổ chức các tuần bán hàng trực tuyến, phiên chợ trực tuyến từ nay đến cuối năm. Trong gần 6 tháng đầu năm, bằng nhiều kênh kết nối, Quảng Ninh đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 100.000 tấn nông sản, thủy sản các loại, hàng vạn đơn hàng là nông sản địa phương giao dịch tại các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn và qua các hình thức bán hàng trực tuyến, giúp người nông dân thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định, đảm bảo cung ứng các hàng hóa thiết yếu./.
Trường Giang/VOV-Đông Bắc