Hành khách chịu thiệt
Cảnh tượng người ken đặc xếp hàng làm thủ tục check in, xuất nhập cảnh tại các cảng hàng không từ cao điểm hè 2022 (đầu tháng 6 đến nay) đang gây không ít bức xúc cho hành khách, đi theo đó là tình trạng chậm, hủy chuyến gia tăng, vì máy bay không về kịp sân bay đón chuyến tiếp theo.
Theo thống kê của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hiện nay, mỗi ngày sản lượng hành khách qua cảng đều liên tục lập đỉnh mới. Tính trung bình, sản lượng bay quốc nội tại Nội Bài tăng hơn 40% so với cao điểm hè 2019. Trong đó, tháng 6/2022 vừa qua là thời điểm ghi nhận được sự tăng trưởng mạnh nhất về lượng hành khách.
Điển hình, như ngày 24/6, sản lượng vận chuyển đạt 102.000 lượt khách, trong đó có 91.000 lượt khách nội địa. Ngày 25/6 đạt hơn 104.000 lượt khách trong đó có gần 93.000 lượt khách nội địa... Với tình hình tăng trưởng như vậy, sân bay Nội Bài dự báo có thể đạt 110.000 lượt khách ngay từ đầu tháng 7/2022.
Tương tự, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đang trải qua những ngày đông khách kỷ lục. Từ đầu tháng 6/2022 đến nay, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón tới 719.154 lượt hành khách quốc nội, trong đó khách đến đạt 370.361, khách đi đạt 348.793. Riêng tuần 25 (từ ngày 15 - 21/6) đã có 38.821 lượt khách, tăng gần 10.000 lượt so với tuần trước đó. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đang dần trở lại Tân Sơn Nhất. Tính đến nay, đã có 119.086 lượt khách đến và đang có dấu hiệu tăng nhanh hơn. Theo tính toán, với tình hình hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ sớm đạt được mục tiêu đặt ra là hơn 7 triệu lượt khách trong năm 2022.
Còn thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, lượng hành khách thông qua các cảng đạt 40,7 triệu lượt, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng ấn tượng 52,6%. Dự kiến năm 2022, các cảng sẽ đón khoảng 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021.
Sự tăng trưởng mạnh về lượng hành khách đi máy bay sau dịch và trong cao điểm hè 2022 là điều đáng mừng, tạo động lực lớn để ngành hàng không, du lịch phục hồi nhanh. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không cảnh báo, sự tăng trưởng nóng này tiềm ẩn nhiều bất cập, rủi ro và cần sớm có giải pháp phòng, xử lý kịp thời những phát sinh khi hàng không phục hồi hoàn toàn.
Cụ thể, hệ lụy có thể thấy rõ là sự quá tải tại các sân bay, dẫn đến chất lượng dịch vụ, vấn đề an ninh trật tự suy giảm. Tiếp đến là hệ lụy phát sinh từ việc lượng hành khách tăng đột biến, kéo theo tình trạng chậm, hủy chuyến. Cục Hàng không Việt Nam thống kê, từ ngày 19/5 - 18/6, số chuyến bay bị chậm giờ là hơn 5.600 chuyến, chiếm hơn 18% tổng số chuyến bay và tăng gần 16% so với cùng kỳ 2021, tăng 9,4% so với tháng 5/2022. Số chuyến bay bị hủy trong tháng 6 là 65 chuyến, chiếm 0,2% tổng số chuyến bay khai thác, tăng 4,8 điểm so với cùng kỳ 2021, giảm 0,1 điểm so với tháng 5/2022.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không, tình trạng chậm, hủy chuyến còn gây thiệt hại không nhỏ cho hành khách cả về thời gian và tiền bạc. Đối với khách làm ăn, chuyến bay muộn có thể ảnh hưởng xấu đến việc đàm phán, ký kết hợp đồng, hợp tác kinh doanh... Máy bay vốn là phương tiện di chuyển nhanh nhất, nên việc chậm trễ chỉ một vài phút thôi đã gây ra những thiệt hại rất lớn về kinh tế. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có giải pháp giảm tỷ lệ chậm, hủy, dồn chuyến bay đang có xu hướng tăng cao.
Không để xảy ra tăng vé máy bay trái quy định dịp cao điểm hè
Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc tại các sân bay trong dịp cao điểm hè năm 2022. Chỉ thị yêu cầu các cảng vụ hàng không cần giám sát thường xuyên hoạt động khai thác, yêu cầu các hãng hàng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi hành khách đối với các trường hợp chậm chuyến bay, hủy chuyến bay; phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẩn trương nghiên cứu các giải pháp hạn chế ùn tắc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; chỉ đạo các cảng hàng không trực thuộc xây dựng phương án phục vụ cao điểm hè 2022.
Riêng hai Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất rà soát lại mặt bằng, dây chuyền phục vụ hành khách, đặc biệt là phục vụ hành khách quốc nội; rà soát lại các biển báo trong nhà ga, nghiên cứu bố trí thêm biển thông tin thông báo các chuyến bay/hoặc thay thế biển thông báo chuyến bay lớn hơn tại khu vực phòng chờ để tạo thuận tiện hơn cho hành khách theo dõi, cập nhật thông tin chuyến bay.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các hãng hàng không xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách tối ưu phục vụ nhân dân đi lại dịp cao điểm hè 2022; không để xảy ra tình trạng tăng vé trái quy định; tuyên truyền đối với hành khách mua vé máy bay để hạn chế số người đón tiễn tại sân bay. Đặc biệt, các hãng hàng không tuân thủ nghiêm ngặt Slot (lượt cất, hạ cánh) được xác nhận theo kế hoạch bay ngày; quản lý hoạt động bay cũng như xây dựng kế hoạch, biện pháp kiểm soát, giảm đến mức thấp nhất việc chậm chuyến, huỷ chuyến vì lý do chủ quan.
Ngoài ra, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng kiểm soát viên không lưu, nhân lực phục vụ nhu cầu khai thác tăng cao trong thời gian cao điểm hè 2022; thực hiện nguyên tắc ưu tiên phục vụ các chuyến bay khai thác đúng slot nhằm hạn chế tối đa tình trạng bay chờ; đồng thời, các Cảng vụ hàng không giám sát chặt hoạt động khai thác, kịp thời yêu cầu các hãng hàng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người vận chuyển và đảm bảo quyền lợi hành khách đối với các trường hợp chậm chuyến, huỷ chuyến theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Báo Tin tức