Ghi nhận trong những tháng cuối năm 2023, lần lượt nhiều "ông lớn" ngành công nghiệp hỗ trợ đã công bố chiến lược tiến sâu vào thị trường Việt Nam, cũng như những dự án được triển khai từ sự "bắt tay" giữa cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam. Điển hình, DKSH - Nhà cung cấp Dịch vụ phát triển thị trường hàng đầu, công bố hợp tác chiến lược với Công ty ACRO Biomedical Co., Ltd (Đài Loan - Trung Quốc) sản xuất vật liệu y tế tiên tiến dùng trong ứng dụng kỹ thuật mô và y học tái tạo.
Thông qua hợp tác chiến lược này, DKSH sẽ cung cấp các dịch vụ toàn diện từ kho bãi, phân phối, hậu cần đến tiếp thị và bán hàng cho sản phẩm của ACRO. Đồng thời, cam kết với kinh nghiệm toàn cầu vững chắc cùng mạng lưới thị trường rộng khắp của mình, DKSH sẽ nhanh chóng giúp nâng cao và thúc đẩy độ phủ của các vật liệu y tế tiên tiến của ACRO trên khắp Việt Nam.
Ông Dar-Jen Hsieh, Chủ tịch ACRO Biomedical Co., Ltd cho biết, chiến lược hợp tác với DKSH giúp ACRO có sự hỗ trợ phát triển thị trường và tập trung vào chuyên môn cốt lõi của mình trong sản xuất các sản phẩm ưu việt. Hợp tác của DKSH và ACRO cũng sẽ đóng góp vào sự phát triển của ngành chăm sóc sức khoẻ tại thị trường Việt Nam với đa dạng giải pháp, máy móc, thiết bị, sản phẩm y tế tiên tiến từ Đài Loan (Trung Quốc).
Tương tự, Essentra Components - nhà sản xuất và phân phối hàng đầu trên thế giới về các linh kiện công nghiệp phụ trợ, vừa công báo kế hoạch thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Đáng chú ý, Essentra Components không chỉ có mặt tại Việt Nam, mà còn xác định đây là một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng của tập đoàn ở giai đoạn tới.
Theo ông Scott Fawcett, Giám đốc Điều hành của Essentra Components, ngày càng nhiều nhà sản xuất toàn cầu tìm kiếm và đầu tư vào những thị trường mới để đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Nhà sản xuất toàn cầu có nhu cầu rất cao với những đối tác cung ứng sản phẩm và dịch vụ có cùng tiêu chuẩn với họ trên toàn cầu…
Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) và Công ty TNHH Năng lượng CAS đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác triển khai dự án năng lượng xanh và kinh tế tuần hoàn. Dự án hợp tác này, nhằm giảm phát thải carbon, giúp cả hai doanh nghiệp từng bước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Liên quan đến dự án hợp tác, ông Đoàn Trung Hiếu, Trưởng Dự án năng lượng tái tạo của MWG cho hay, đây cũng là minh chứng cho thấy sự nghiêm túc và cam kết mạnh mẽ của nhà bán lẻ hàng đầu Thế Giới Di Động trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và đóng góp vào mục tiêu Net-Zero (cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gần bằng 0) vào năm 2050 của Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động hướng đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn luôn được xem là mục tiêu và trách nhiệm của MWG trong song hành cùng phát triển kinh doanh và đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn cho rằng, đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu triển khai kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn, cũng là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường ở Việt Nam. Cụ thể, từ cánh tay nối dài của cộng đồng doanh nghiệp, sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân về môi trường, năng lượng tái tạo, quản lý rác thải hiệu quả và tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Dự báo quy mô ngành sản xuất và chế tác linh kiện công nghiệp tại Việt Nam sẽ tăng 6,6% trong năm 2023, cũng góp phần tạo sức hút đối với xu hướng dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu đến với Việt Nam. Trên thực tế, các tập đoàn lớn như Apple và LEGO hiện đã bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất chính ở Việt Nam với giá trị lên tới hàng tỷ USD.
Đặc biệt, Việt Nam còn là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất ở châu Á, nên là điểm đến hấp dẫn và không thể bỏ lỡ của nhà sản xuất toàn cầu, tập đoàn đa quốc gia. Hơn thế nữa, khi tham gia vào thị trường Việt Nam, nhà sản xuất toàn cầu, tập đoàn đa quốc gia sẽ mở ra cánh cửa tiếp cận khách hàng tiềm năng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; xây dựng chuỗi cung ứng mới về ngành sản xuất, chế tạo và nguồn cung linh kiện...
Một số chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, Việt Nam đã và đang có điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu công nghiệp hỗ trợ với làn sóng đầu tư mang theo những mô hình kinh doanh mới, không chỉ dừng lại ở lợi ích kinh tế, xã hội, mà còn thúc đẩy sản xuất xanh, tạo việc làm... Cùng với đó, ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam tiếp cận được cơ hội nâng cao tay nghề đội ngũ kỹ thuật viên trong nước khi được làm việc tại một môi trường chuyên nghiệp, đòi hỏi chất lượng công việc theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nguồn TTXVN