Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong vài năm gần đây, thương mại quốc tế xuất hiện xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn. Các biện pháp bảo hộ diễn ra theo nhiều hình thức như: Mối đe dọa an ninh quốc gia dẫn đến tăng thuế nhập khẩu; sở hữu trí tuệ dẫn đến tăng thuế các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ; hay tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến các biện pháp trả đũa trực tiếp… Tuy nhiên, được sử dụng thường xuyên nhất vẫn là các biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, mới đây, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận đơn kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi kéo dãn toàn phần có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Hàn Quốc và Việt Nam. Ấn Độ cũng vừa ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam…
Nhận định về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung cho biết, đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm xuất khẩu Việt Nam bị vướng vào “bẫy” phòng vệ thương mại trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do. Giai đoạn 2017-2020, đã có 201 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra hàng xuất khẩu Việt Nam, với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Hiện các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đang ngày càng được mở rộng và liên kết nhiều quốc gia với nhau tác động đến các biện pháp phòng vệ thương mại. Do đó, các vụ kiện về phòng vệ thương mại phát sinh những xu hướng mới như kiện chùm, kiện chống lẩn tránh thuế... làm gia tăng các vụ kiện về phòng vệ thương mại.
“Thời gian tới, thách thức với xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn khi mà Việt Nam chưa giành được thế chủ động trong xuất khẩu hàng hóa cả về thị trường, sản phẩm, công nghệ sản xuất...”, ông Chu Thắng Trung cho biết.
Qua các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại thời gian qua, một số doanh nghiệp và hiệp hội trong nước bước đầu đã có kinh nghiệm để ứng phó với các rủi ro. Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang, không ít doanh nghiệp vẫn chưa hiểu biết hết về chính sách, pháp luật phòng vệ thương mại hay có kỹ năng sử dụng hiệu quả công cụ này. Ngoài ra, nguồn lực để theo đuổi các vụ kiện cũng rất hạn chế, đặc biệt không nhiều doanh nghiệp có luật sư tư vấn để hiểu biết về pháp luật liên quan.
Để phòng tránh thiệt hại từ những vụ kiện về phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần nâng cao khả năng cạnh tranh, xem xét chiến lược xuất khẩu. Mặt khác, cần liên lạc thường xuyên với Bộ Công Thương để được tư vấn kịp thời về những thay đổi pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của các thị trường xuất khẩu, qua đó hoạt động kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, bảo đảm sự ổn định và phát triển lâu dài.
Còn theo ông Chu Thắng Trung, để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, các ngành sản xuất, xuất khẩu và doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế cạnh tranh bằng giá... Mặt khác, khi xu thế bảo hộ tiếp tục gia tăng, doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy bởi các biện pháp chống lẩn tránh và phòng vệ thương mại tại một số thị trường nhập khẩu.
Theo Hanoimoi.com.vn