Bác dâu quê ở Phù Ninh (Phú Thọ), dù bận thế nào thì ngày Giổ Tổ, gia đình bác cũng làm 2 mâm cơm tươm tất để về Phú Thọ dâng Vua Hùng và cúng gia tiên. Trong mâm cơm ấy không thể thiếu món cơm nắm lá cọ mà theo bác tôi là món thương, món nhớ quê nhà. Đây là món ăn dân dã từ xa xưa của vùng Đất Tổ. Bác nhờ họ hàng ở Phú Thọ lên đồi chặt những tàu lá cọ vẫn còn bánh tẻ gửi về Hải Dương. Những tàu lá cọ non còn chưa xòe hết, xanh mướt được bác hơ qua lửa cho mềm, lau sạch rồi dùng để nắm cơm. Từng nắm cơm với những viền sọc được tạo hình từ lá cọ đượm thơm mùi gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn với chút hương của lá cọ, chấm với muối vừng, tôi ăn một lần nhớ mãi. Tôi quả quyết với cả nhà: “Đâu phải cơm nắm lá cọ mà là xôi xứ Đông nắm lá cọ Đất Tổ”. Bác cười gật đầu. Một sự hòa quyện thật tuyệt vời, riêng có, tinh tế, ấm áp giữa Phú Thọ và Hải Dương của bác tôi.
Vậy đấy, mỗi người dân Việt Nam tưởng nhớ về Quốc tổ theo cách riêng của mình với một lòng tôn kính. Nhiều gia đình, nhất là những người cao tuổi, dù không còn khỏe vẫn muốn về Đất Tổ, dâng nén hương thơm lên tổ tiên. Nhiều chàng trai, cô gái trẻ trung cũng tranh thủ ngày nghỉ rủ nhau lên núi Nghĩa Lĩnh, để lắng lòng mình nơi tán cọ xòe, để biết tạo cho mình lẽ sống, niềm tin và niềm tự hào về nguồn cội.
Có những người vì điều kiện chưa thể về Đất Tổ thì chọn cách tưởng nhớ tại gia. Họ làm mâm cơm với nhiều món ăn cổ truyền dân tộc để thành kính dâng lên tổ tiên và các Vua Hùng. Một số gia đình kỹ lưỡng tìm đặt mua lá dong để gói bánh chưng, lá chuối để gói bánh giầy. Con cháu quây quần vừa gói bánh vừa được nghe kể về Vua Hùng, sự tích bánh chưng, bánh giầy như muốn nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống của dân tộc, lòng hiếu kính, biết ơn tổ tiên.
Lại có gia đình mấy ngày nay cứ tầm chiều mở những bài hát Xoan làm chộn rộn lòng người. Đi qua, vô tình nhìn vào thì thấy người ngồi trước màn hình ti vi xem và lẩm bẩm hát theo những làn điệu, câu hát Xoan không phải là các cụ cao tuổi mà đôi vợ chồng chỉ hơn 30 tuổi. Đúng là thoạt nghe những câu hát ấy có thể không thấy hay, nhưng nghe nhiều sẽ cảm nhận ẩn chứa bên trong từng ca từ có biết bao ý nghĩa sâu xa, thâm tình.
Còn mấy đứa em tôi thì mua sách, truyện dân gian, truyền thuyết về thời các Vua Hùng để đầu giường hằng tối đọc cho con nghe.
Với những cách tưởng nhớ riêng ấy mới thấy hết được sự tự hào, trân trọng, biết ơn, khắc ghi của các thế hệ con cháu mang dòng máu Lạc Hồng, nhất là người trẻ về cội nguồn tổ tiên, dân tộc.
Rõ ràng, ngày Quốc Giỗ từ bao đời nay đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt, trở thành một biểu tượng tinh thần, mang bản sắc văn hóa độc đáo, kết thành ý thức nguồn cội, nghĩa đồng bào.
Nguồn cội là gốc rễ, nơi có trước để sản sinh ra những giá trị tiếp theo. Việc ghi nhớ, biết ơn và trân trọng nguồn cội mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc cho mỗi người. Nguồn cội giúp ta nhận ra mình đến từ đâu, phải làm gì để từ đó có thể thấu hiểu, suy ngẫm về truyền thống, lịch sử, văn hóa và những giá trị quan trọng mà ông cha đã để lại.
Nghĩ về nguồn cội, thật cảm thông cho những người vì điều kiện, gánh nặng mưu sinh mà phải ở nơi đất khách quê người, xa gia đình, không thể về đoàn tụ, hội ngộ trong ngày Giỗ Tổ. Nhưng cũng thật đáng trách với những ai sống mà không biết đến nguồn cội, quá khứ, vong ơn, bội nghĩa, thờ ơ, vô cảm với những gì đã cho họ có được cuộc sống hòa bình, tốt đẹp hôm nay.
Nhớ đến nguồn cội, nghĩ đến trách nhiệm, chúng ta phải luôn đoàn kết, đùm bọc, yêu thương, chia sẻ, không ngừng nỗ lực học tập, công tác, lao động, sản xuất, xây dựng gia đình, cơ quan, quê hương, non sông gấm vóc ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ phải có trách nhiệm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Trong tiết trời ấm áp của tháng ba, từng đoàn người đang đi về đỉnh Nghĩa Lĩnh, thành tâm dâng nén hương thơm để tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng - vua chung của người Việt ta trên khắp thế giới.
Báo Hải Dương