1. Sau 70 năm, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi nhưng Hội nghị Giơnevơ năm 1954 vẫn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ nhất, trong tình hình quốc tế hết sức phức tạp, chịu sự chi phối của các nước lớn, cần nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; biết giành thắng lợi từng bước trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Vốn là một nước không lớn lại nghèo, song luôn luôn phải đối mặt với các cuộc chiến tranh xâm lược của các nước lớn, mạnh hơn nhiều về mặt vật chất, nhân dân ta cần có thời gian để tích lũy và phát triển lực lượng, chuyển hóa cục diện, giành thắng lợi từng bước, từ nhỏ tới lớn, tạo thời cơ giành thắng lợi quyết định. Trong hoàn cảnh giữa những năm 1950, khi “lực lượng so sánh giữa ta và địch biến chuyển có lợi cho ta nhưng chưa phải biến chuyển căn bản có tính chiến lược” thì chúng ta phải chấp nhận những thỏa thuận mang tính sách lược.
Nguyên tắc trong Hiệp định Genève là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta phải được giữ vững; quân đội nước ngoài phải rút khỏi Việt Nam; công việc của Việt Nam phải do chính nhân dân Việt Nam tự quyết định. Sách lược trong Hiệp định Genève là chúng ta đã chấp nhận vĩ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời, đồng ý tập kết quân của hai bên, tiến hành tổng tuyển cử sau hai năm...
Thứ hai, tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước là nhân tố bên trong có ý nghĩa quyết định, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, phát huy nội lực, lấy đó làm cơ sở vững chắc cho hoạt động ngoại giao. Chính những thắng lợi giòn giã trên các chiến trường cả nước mà đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã tạo nên thế mới cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Genève.
Thứ ba, đánh giá chính xác tình hình thế giới, khu vực nhất là chiến lược của các nước lớn, từ đó tìm ra đối sách phù hợp từng thời gian, cho từng vấn đề liên quan nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ thỏa hiệp giữa các nước lớn. kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lý cũng như Nhân dân thế giới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, phát huy vai trò của công tác đối ngoại, tăng cường đối thoại, sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ với các nước, bảo đảm phù hợp với luật pháp quốc tế; ra sức giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của Nhân dân Việt Nam và Nhân dân thế giới.
2. Những bài học ấy đã được Đảng ta chắt lọc, vận dụng sáng tạo vào đấu tranh ngoại giao giai đoạn tiếp theo, trực tiếp nhất là trong Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1968 - 1973). Ngày nay, nhân dân ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những bài học của Hiệp định Genève vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh mới chúng cần được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo để phục vụ tốt nhất cho lợi ích của dân tộc ta. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên các lĩnh vực; xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao Nhân dân.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cần luôn luôn bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế"; tiếp tục phát huy vai trò của công tác đối ngoại trong việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước, sự gắn kết nhịp nhàng của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân cùng đối ngoại chính trị, đối ngoại kinh tế, đối ngoại văn hóa, đối ngoại an ninh và đối ngoại các lĩnh vực khác./.
Quang Minh (tổng hợp)