Câu hỏi: Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Xin cho biết, trong thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã khởi động lộ trình hiện thực hóa cam kết này như thế nào?
Trả lời
Các cam kết mạnh mẽ, đặc biệt là cam kết giảm phát thải và đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại COP26 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ngay sau COP26, Chính phủ Việt Nam đã triển khai những bước đi đầu tiên của lộ trình triển khai cam kết tại COP26.
Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2157/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đánh dấu bước đi đầu tiên của Việt Nam trong lộ trình hiện thực hóa những mục tiêu này.
Ban Chỉ đạo quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là Phó Trưởng ban; thành viên là các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Bộ Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có các nhiệm vụ:
Một là, chỉ đạo, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Hai là, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường điều phối các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các bộ, ngành, địa phương và hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và các nước.
Ba là, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi, chủ động tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thu hút các dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển và chuyển đổi năng lượng.
Bốn là, chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Năm là, chỉ đạo giải quyết các thủ tục, tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền trách nhiệm của liên ngành, liên tỉnh để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư.
Ngay trong cuộc họp đầu tiên ngày 13/01/2022, Ban chỉ đạo đã yêu cầu tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch;
Hai là, giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực;
Ba là, giảm phát thải khí mê-tan, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải;
Bốn là, khuyến khích nghiên cứu, phát triển và sử dụng ô tô điện;
Năm là, quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, đồng thời đẩy mạnh trồng rừng mới đê hấp thụ, lưu giữ các- bon;
Sáu là, nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững;
Bảy là, đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26;
Tám là, đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó Việt Nam đã ban hành hàng loạt văn bản, tiêu biểu là:
(1) Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
(2) Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trong đó quy định rõ Danh mục lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành công thương; ngành giao thông vận tải; ngành xây dựng ngành tài nguyên và môi trường.
(3) Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia.
(4) Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biển đổi khí hậu, trong đó vấn đề kiểm kê phát thải khí nhà kính là vấn đề quan trọng đầu tiên trong lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam.
Việc thực hiện những cam kết tại COP26 có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó, khó khăn, thách thức là chủ yếu. Để vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh Việt Nam là một trong 6 quốc gia chịu nhiều tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam phải thực thi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ với quyết tâm cao cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Với những bước khởi đầu đúng hướng, quyết tâm, quyết liệt như trên, với sự chung sức của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu đề ra./.
LTV (Tổng hợp)
Tài liệu tham khảo
1. Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2157/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
3. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về việc ban hành hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia.
4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biển đổi khí hậu.
6. Văn phòng Chính phủ, Thông báo số 30/TB-VPCP ngày 30/01/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia tại cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biển đổi khí hậu.