Tuy số ca nhiễm có chiều hướng tăng nhanh những ngày sau Tết, cuộc sống bình thường mới vẫn diễn ra sôi động khắp mọi miền đất nước. Các di tích lịch sử, văn hoá ở nhiều địa phương được mở cửa, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Hôm 14/2, một tín hiệu rõ nét nhất về cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới là hàng triệu học sinh mầm non, tiểu học, lớp 6 trong cả nước quay trở lại trường học sau một thời gian dài học trực tuyến. Theo thông báo của Cục Hàng không, từ ngày 15/2, Việt Nam bỏ mọi rào cản tần suất bay quốc tế, trở lại bình thường như trước dịch, mở đường để hồi phục hoàn toàn du lịch và hàng không. Trong khi đó, Bộ VHTTDL cho biết đã bắt tay xây dựng phương án mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa từ ngày 15/3.
Những ngày này, các phương tiện truyền thông trong nước đề cập khá nhiều đến yêu cầu “mở cửa”, về thông điệp “tự tin mở cửa trở lại, không để lỡ nhịp phục hồi nhanh, phát triển bền vững” của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi kinh nghiệm phòng, chống dịch của chúng ta ngày càng phù hợp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa bệnh được tăng cường, số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 ngày càng giảm, hơn 90% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin và đặc biệt ý thức phòng dịch của người dân đã được nâng cao.
Với những “dữ liệu” đó, nhiều chuyên gia y tế nêu ý kiến đã đến lúc nên coi dịch COVID-19 là “bệnh đặc hữu”, “bệnh theo mùa” để mọi người có thể sống bình thường, làm việc bình thường, tự tin mở cửa toàn diện các hoạt động kinh tế - xã hội. TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, với việc dần coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu xóa bỏ các hạn chế, thậm chí tuyên bố hết dịch để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Và với Việt Nam, giờ không còn là quá sớm để chuyển hướng hành động theo trào lưu chung của thế giới. TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu ý kiến: “Trong giai đoạn này, vai trò phòng, chống dịch cũng cần được dịch chuyển từ chính quyền sang cho người dân. Thay vì chính quyền đứng ra lo mọi thứ, áp đặt mọi thứ, người dân phải tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, giữ gìn sức khỏe, thay đổi thói quen để thích nghi với cuộc sống bình thường mới”.
Một đề xuất thấu tình đạt lý trong bối cảnh cả nước đang trở lại trạng thái bình thường mới, việc phòng, chống dịch đã khác nhiều so với trước. Với tâm thế “chủ động, linh hoạt thích ứng, an toàn”, đại đa số người dân đã nhận thức được rằng, không ai có thể riêng mình sống yên ổn nếu như cộng đồng còn chưa an toàn, từ đó tự nguyện, tự giác, tự kiểm soát, phòng chống dịch với mức cảnh giác cao nhất.
Dẫn con số 34.737 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 16/2 không phải là để quay trở lại cách chống dịch cực đoan bằng cách phong tỏa, cách ly, lập chốt kiểm soát, xét nghiệm diện rộng… Linh hoạt được xem là chiếc chìa khóa để thích ứng và vượt qua những thách thức do đại dịch đặt ra. Để bình thường mới đạt hiệu quả, các địa phương phải “mở cửa” tư duy phòng, chống dịch. Thay vì đưa ra những giải pháp phòng, chống dịch cực đoan gây khó cho người dân, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền địa phương cần bình tĩnh trong việc kiểm soát và xử lý theo tinh thần “thích ứng, linh hoạt, an toàn” của Nghị quyết 128 của Chính phủ. Tư duy cát cứ, “ngăn sông cấm chợ” trong quan điểm chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch cần phải được nhanh chóng gạt bỏ.
Con số 34.737 ca mắc mới cũng nhắc nhở mọi công dân trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ mình và mọi người trước SARS-CoV-2 trong thời gian tới. Chỉ khi mọi cá nhân, cộng đồng có ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, đặc biệt tuân thủ thông điệp 5K, mới có thể tạo lá chắn vững chắc để ngăn chặn dịch bệnh. Ý thức là vắc xin hữu hiệu nhất để phòng tránh dịch mà ai cũng có thể tự trang bị cho mình. Có loại vắc xin này mọi người có thể “quẳng gánh lo đi” mà vui sống mỗi ngày.