Chính sách an sinh xã hội đã khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong xu thế chuyển đổi số, chính sách này cần phải thích ứng và tạo cơ chế bao phủ toàn diện, an toàn, hiệu quả hài hòa khi Nhà nước - doanh nghiệp - người dân cùng đồng hành.
Các chính sách trợ giúp xã hội được thiết kế hướng vào mục tiêu bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng theo vòng đời từ độ tuổi ấu thơ đến người cao tuổi nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của con người trong suốt cuộc đời, từng bước đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đối tượng về thu nhập, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề, đảm bảo tốt hơn các quyền của đối tượng thụ hưởng chính sách.
Những điểm sáng an sinh xã hội
Báo cáo tổng kết về lĩnh vực lao động, việc làm và xã hội 2023 của Bộ LĐTB&XH cho thấy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế. Tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV năm 2022 đã "giảm nhiệt" trong các tháng cuối năm 2023. Các chỉ số về lực lượng lao động, tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh đã điểm lại những "điểm sáng" về công tác đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2023.
Các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của hộ nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao. Lãnh đạo ngành đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo thường xuyên và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó, tập trung giải ngân vốn của Chương trình năm 2023 với kinh phí đã phân bổ từ ngân sách trung ương là 12.692 tỷ đồng, ngân sách địa phương là hơn 3.526 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên bố trí từ ngân sách trung ương năm 2023 ước trên 20.000 tỷ đồng.
Ước tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu.
Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh; xây dựng môi trường sống an toàn để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em.
Huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện hiệu quả, tính đến nay Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động được 110 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho 68.011 lượt trẻ em với kinh phí 50,605 tỷ đồng; hỗ trợ gián tiếp (hàng hoá) cho 57.489 lượt trẻ em với kinh phí 48,485 tỷ đồng.
Ước thực hiện năm 2023, duy trì tỉ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đạt 57%; tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em giảm xuống còn 6,7%, đạt mục tiêu.
Tỉ trọng chi ngân sách cho an sinh xã hội tăng dần trong các năm qua, từ 2,85% GDP năm 2005 lên 4,14% GDP năm 2010 và 4,67% GDP năm 2011 và khoảng 6,7% GDP năm 2021. Bên cạnh vốn ngân sách Nhà nước, nhiều nguồn lực khác đã được huy động cho công cuộc giảm nghèo, như vốn ODA, đóng góp của các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và tư nhân. Trong thực tế đã xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình hợp tác công tư trong giảm nghèo và bảo trợ xã hội.
Bên cạnh đó, công tác bình đẳng giới ngày càng thực chất hơn, vai trò và địa vị của phụ nữ được cải thiện, nâng lên.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tham gia góp ý, lồng ghép giới vào dự thảo một số văn bản quy phạm pháp luật và các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện Báo cáo tổng kết đánh giá 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới và nghiên cứu, chuẩn bị đề xuất xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Bình đẳng giới; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2023.
"Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, Việt Nam hiện xếp hạng 72 trong danh sách này với tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%, tăng 11 bậc so với vị trí năm 2022", Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh thông tin.
Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cũng được quan tâm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả.
Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật, chương trình, đề án về phòng, chống tệ nạn xã hội. Công tác tuyên truyền, phòng chống ma túy, mại dâm và mua bán người được đẩy mạnh. Công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được thực hiện thường xuyên.
Ước thực hiện cả năm đạt các mục tiêu đề ra: Tỷ lệ người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy ước đạt 74%; tỷ trọng người nghiện ma túy tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy trong tổng số người nghiện được cai nghiện đạt 30%; 100% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng; 100% nạn nhân bị mua bán có nhu cầu được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Chính phủ đầu tư ngày càng nhiều cho việc thực hiện các chính sách xã hội
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động, thương binh và xã hội trong năm 2024
Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam được xây dựng dựa trên nguyên lý quản lý rủi ro, đồng thời nhấn mạnh vai trò cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, bao gồm 4 trụ cột: Phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro và bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản.
Đối với khu vực có quan hệ lao động đã được pháp luật quy định các quỹ BHXH ngắn hạn như: Quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đặc biệt, quỹ bảo hiểm thất nghiệp phát huy vai trò "bà đỡ" hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm bền vững cho người lao động, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp; chú trọng đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp và chi trả trợ cấp thất nghiệp. Trong đại dịch COVID-19, hơn 38.000 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã được chi để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Trao đổi về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội thời gian qua, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, chính sách trợ giúp xã hội được thiết kế hướng vào mục tiêu bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng theo vòng đời nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của con người trong suốt cuộc đời với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, sự đóng góp của doanh nghiệp, xã hội và người dân, cùng với các quỹ từ thiện nhân đạo hỗ trợ.
"Trong thực tiễn của đất nước, Chính phủ đã đầu tư ngày càng nhiều cho việc thực hiện các chính sách xã hội, thông qua việc điều chỉnh các mức hưởng, diện đối tượng hưởng và cả số lượng chính sách", ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Để hệ thống an sinh xã hội được hình thành theo hướng đa tầng, hiện đại, thích ứng, linh hoạt, nhằm bảo đảm bao trùm, bền vững và công bằng, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, các chính sách an sinh xã hội cần được thiết kế theo hướng tập trung quản lý phát triển xã hội hiệu quả, nghiêm minh, đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân.
Trong đó cần tập trung: Thể chế hóa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và gắn kết xã hội. Xây dựng các định mức chi tiêu xã hội, xây dựng chuẩn an sinh xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn, ngày càng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh đó, cần thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế, chính sách an sinh xã hội theo hướng chủ động, tích hợp, có sự điều phối và liên kết giữa các hợp phần bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội và việc làm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hệ thống an sinh xã hội, nhất là trong các quy trình nghiệp vụ an sinh xã hội.
"Tôi cho rằng, để hệ thống an sinh phát triển theo hướng đa dạng, đa tầng, trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về an sinh xã hội để có thể thích ứng với các tình huống bất trắc xảy ra do dịch, bệnh, biến đổi khí hậu… Tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục tăng cường hiệu quả các chính sách an sinh xã hội hiện hành và hướng tới hệ thống an sinh nhằm ứng phó linh hoạt với các ‘cú sốc’ trên diện rộng", ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.
Dấu ấn chăm lo cho người lao động
Bên cạnh việc thực hiện chính sách xã hội cho mọi người dân, công tác chăm lo cho người lao động cũng có nhiều dấu ấn trong năm 2023. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày từ đầu năm mới, Chương trình "Tết sum vầy 2023" với chủ đề "Tết sum vầy - Xuân gắn kết" là hoạt động mang đậm dấu ấn, khởi đầu cho các sự kiện nổi bật.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, cùng với những hoạt động đã trở thành nền nếp như đưa đón người lao động về quê đón Tết; thăm hỏi, tặng quà đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng "Mái ấm công đoàn"; tổ chức vui Xuân, đón Tết tại khu nhà trọ... Năm 2023, lần đầu tiên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trực tiếp tổ chức Chương trình "Chợ Tết Công đoàn" tại 22 địa phương, ngành có đông công nhân lao động, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn thu hút nhiều triệu đoàn viên, người lao động tham gia.
Tổng Liên đoàn cũng đã tham mưu và tổ chức 122 đoàn công tác của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đến thăm, trực tiếp trao những món quà ấm áp nghĩa tình cho người lao động. Tết Quý Mão 2023, đã có hơn 8,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo Tết của các cấp Công đoàn với tổng kinh phí hơn 6.110 tỷ đồng, tăng 260 tỷ đồng so với Tết Nhâm dần 2022.
Cùng với việc kịp thời phản ánh, đề xuất với các cơ quan chức năng hỗ trợ, giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trước tình trạng thiếu đơn hàng, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành 3 chính sách hỗ trợ người lao động bị giảm giờ làm việc hoặc bị ngừng việc. Đến nay đã có gần 100 nghìn lượt đoàn viên được thụ hưởng với số tiền hơn 100 tỷ đồng.
Tháng Công nhân năm 2023 cũng diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động thiết thực như: Chương trình "Đối thoại tháng 5"; diễn đàn "Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân", hoạt động "Cảm ơn người lao động"; chương trình "Mỗi công đoàn cơ sở, một lợi ích đoàn viên", thu hút sự ủng hộ, quan tâm rộng rãi của toàn xã hội đối với giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn.
Điểm mới nổi bật trong Tháng công nhân năm 2023 là lần đầu tiên, từ chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn, 51 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đề xuất, phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với cử tri công nhân lao động trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Các hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề đã giúp các đại biểu Quốc hội lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, từ đó góp ý xây dựng, hoạch định các chính sách liên quan đến quyền lợi công nhân lao động khả thi, sát hợp với thực tiễn.
Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và Công đoàn" lần đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của 500 cán bộ, đoàn viên, người lao động đại diện cho hơn 11 triệu đoàn viên cả nước. Từ hàng ngàn ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, người lao động, Tổng Liên đoàn đã tổng hợp, chắt lọc đề xuất 45 vấn đề lớn để lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền thảo luận, giải đáp tại Diễn đàn và tiếp tục nghiên cứu, trả lời đoàn viên, người lao động.
Diễn đàn là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người lao động từ đó làm tốt hơn nhiệm vụ lập pháp liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đồng thời giúp đoàn viên, người lao động nhận thức rõ hơn và thực hành tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Theo Báo Dân tộc