Câu hỏi: So với Đại hội XII, Đại hội XIII đã bổ sung, phát triển những điểm mới gì để đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với vai trò cầm quyền của Đảng?
Trả lời:
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, cần thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Qua mỗi nhiệm kỳ, đặc biệt là qua mỗi bước ngoặt lịch sử của cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn có sự kế thừa và bổ sung, phát triển nội dung phương thức lãnh đạo để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trên cơ sở tổng kết những mặt ưu điểm, hạn chế của quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với vai trò cầm quyền của Đảng để “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng” cùng với đó là đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nhấn mạnh củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện yêu cầu trên, Đại hội XIII xác định phương hướng “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới”, trong đó không chỉ kế thừa các phương thức lãnh đạo của Đại hội XII mà còn bổ sung, phát triển, cụ thể hóa hơn những nội dung, biện pháp mới:
Về phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước, Đại hội XIII tiếp tục xác định Đảng lãnh đạo bằng các chủ trương, chính sách lớn, lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, bổ sung phương thức lãnh đạo Nhà nước bằng “cương lĩnh, chiến lược”, “bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát”; bằng việc xây dựng “tổ chức bộ máy” để bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước không chỉ đủ phẩm chất, năng lực mà còn có “uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Về phương thức lãnh đạo thông qua hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên, Đại hội XIII nhấn mạnh thêm “nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước”; họ không chỉ phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, mà còn “phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng với việc tiếp tục đảm bảo tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy mạnh mẽ vai trò, tính tự chủ, năng động, sáng tạo của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, Đại hội XIII bổ sung nguyên tắc “bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng” đối với Mặt trận, đoàn thể.
Đối với việc tiếp tục cụ thể hoá phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể, Đại hội XIII bổ sung yêu cầu các quy chế, quy định đó phải “công khai để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, giám sát việc thực hiện”; phải “quy định cụ thể Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân”; phải “gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện phân cấp, phân quyền, chống tha hoá quyền lực”.
Trong phương hướng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội XIII nhấn mạnh phải “bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, kịp thời, đúng đắn của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp; phát huy vai trò nêu gương, thúc đẩy đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị”.
Để đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc khoa học, tập thể và dân chủ, song song với việc nói đi đôi với làm, Đại hội XIII bổ sung yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “hiểu dân” và “chịu khó học hỏi” dân.
Để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo thông qua chủ trương, nghị quyết của Đảng, Đại hội XIII bổ sung phương thức “giám sát chặt chẽ”, coi trọng “giám sát”, cùng với kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết để đảm bảo tính “hiệu lực”, hiệu quả của các nghị quyết.
Trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, Đại hội XIII bổ sung việc “ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Đảng”. Đây là biện pháp cải cách hành chính phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong công tác lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị hiện nay.
Cùng với mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, Đại hội XIII bổ sung nhiệm vụ tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về “đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới”.
Từ các nội dung, biện pháp lãnh đạo mà Đại hội XIII đã kế thừa, bổ sung, phát triển nói trên, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, quán triệt, nâng cao nhận thức để vận hành các phương thức lãnh đạo trong tình hình mới cho thật thông suốt. Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị và dự báo sự biến động của tình hình thế giới, trong nước, địa phương, ngành, cần tiếp tục cụ thể hóa nội dung phương thức lãnh đạo bằng các hình thức, biện pháp, quy định phù hợp, khả thi hơn nữa. Tăng cường kiểm soát việc đổi mới và thực hiện phương thức lãnh đạo bằng cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và của quần chúng nhân dân. Hàng năm, tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình để tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp, hiệu lực, hiệu quả.
Bạch Yến