Từ năm 2016 đến nay, anh Nguyễn Vũ Đạt (SN 1986), Trưởng Ban Cơ điện Công ty CP Cao su Thống Nhất (Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn), đã có 16 sáng kiến cải tiến kỹ thuật lớn nhỏ, làm lợi cho doanh nghiệp (DN) hơn 3 tỉ đồng. Đối với Đạt, thành công của mỗi sáng kiến giúp người lao động (NLĐ) cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động và góp phần hỗ trợ DN phát triển bền vững chính là động lực để anh tiếp tục sáng tạo và cống hiến.
Giúp công nhân đỡ vất vả
Tốt nghiệp đại học, năm 2011, Đạt đầu quân vào công ty ở vị trí nhân viên tổ điện. Thường xuyên tiếp xúc với máy móc, Đạt nhận thấy đa số đều có tuổi đời trên 20 năm, thường xuyên hỏng hóc và không bảo đảm an toàn cho người vận hành. Thực tế ấy khiến anh luôn trăn trở và suy nghĩ phải tìm giải pháp khắc phục.
Một trong những sáng kiến đầu tay của Đạt là "Cải tiến máy dập và khuôn dập cung cấp bán thành phẩm cho 2 khuôn ESP4-5" được thực hiện vào năm 2014. Trước khi cải tiến, thiết bị này vận hành bằng khí nén và điều khiển bằng tay, do vậy sản lượng rất thấp (mỗi lần chỉ ép được 1 sản phẩm), chưa kể không bảo đảm an toàn cho NLĐ. Để khắc phục, Đạt nghĩ ra cách thay thế hệ thống vận hành máy từ khí nén sang thủy lực, có chế độ điều khiển tự động và cảm biến an toàn. Với cải tiến này, sản lượng tăng lên 30%, chưa kể có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau. Sáng kiến này làm lợi cho công ty hơn 280 triệu đồng/năm.
Thêm tự tin sau thành công này, đều đặn mỗi năm, Đạt cho "ra lò" 2-3 sáng kiến có giá trị. Điểm đặc biệt trong các sáng kiến của anh là không chỉ góp phần làm lợi cho DN mà còn giúp NLĐ tăng năng suất, cải thiện thu nhập. Điển hình như sáng kiến "Cải tiến máy dập lõi Desk", giúp tăng sản lượng bình quân của thiết bị từ 1.500 lên khoảng 2.200 sản phẩm/ngày.
Công nhân ở bộ phận này hưởng lương theo sản phẩm nên khi năng suất tăng, thu nhập cũng được cải thiện đáng kể. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ sau một thời gian ngắn, Đạt được cất nhắc lên vị trí phó trưởng ban, rồi trưởng ban cơ điện. Năm 2017, anh vinh dự được nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng.
Anh Nguyễn Vũ Đạt (trái) kiểm tra sản phẩm được sản xuất từ các máy do anh cải tiến
Hết lòng với thợ trẻ
Đầu quân vào Công ty CP Tico (quận Tân Phú, TP HCM) năm 2011, chỉ sau 1 năm làm việc, từ vị trí nhân viên vận hành phòng điều khiển, chàng kỹ sư trẻ Hà Trầm Huy (SN 1988) đã được cất nhắc lên làm phó ca sản xuất rồi giám sát sản xuất. Trong mắt lãnh đạo đơn vị và đồng nghiệp, Huy là người giỏi chuyên môn, dám nghĩ, dám làm, luôn có nhiều ý tưởng, sáng kiến vừa làm lợi tiền tỉ vừa giúp DN phát triển ổn định.
Một trong những sáng kiến nổi bật nhất của Huy là "Giảm phát thải chất thải nguy hại trong sản xuất nhờ cải tiến quy trình tái chế hoàn toàn lượng phế phẩm THF". Huy cho biết Tico là DN chuyên sản xuất và kinh doanh nguyên liệu sử dụng cho ngành tẩy rửa. Trong quá trình sản xuất LAS, giai đoạn xử lý khí thải làm phát sinh một lượng phế phẩm THF nhất định (khoảng 0,2% trên một tấn sản phẩm).
Với năng suất hằng năm của công ty (60.000 tấn sản phẩm), lượng phế phẩm này phát sinh khá lớn, khoảng 120 tấn. Nếu không giải quyết tốt, lượng phế phẩm này sẽ trở thành gánh nặng của công ty cả về kinh tế lẫn môi trường khi phải chuyển sang xử lý chất thải nguy hại.
Huy đưa ra phương án xử lý THF bằng axít sulfuric và nước. Phương án thành công mỹ mãn, 95,67/120 tấn phế phẩm được xử lý thành LAS thành phẩm mang lại giá trị hơn 2,5 tỉ đồng, đồng thời giúp DN tiết kiệm hơn 760 triệu đồng chi phí thuê xử lý 95,67 tấn phế phẩm THF nếu chuyển thành chất thải nguy hại.
Ngoài đam mê sáng tạo, Huy còn chủ động đề xuất ban giám đốc trồng cây, tạo mảng xanh xung quanh nhà máy. Ý tưởng này của anh không chỉ giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí, giảm tiếng ồn xung quanh nhà máy mà còn góp phần cải thiện môi trường làm việc. Không chỉ giỏi nghề, với kinh nghiệm và nhiệt huyết sẵn có, Huy còn tích cực tham gia huấn luyện nghiệp vụ cho đội ngũ kỹ sư, công nhân trực tiếp vận hành sản xuất.
Qua các năm, số lượng nhân viên vận hành sản xuất được Huy đào tạo là hơn 70 người. "Niềm vui của tôi chính là sau thời gian được kèm cặp, các bạn trẻ đã bắt đầu mạnh dạn đưa ra các ý tưởng, giải pháp nhỏ để cải tiến quy trình sản xuất. Tôi càng vui hơn khi trong những ý tưởng ấy được gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường" - Huy bày tỏ.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tico, nhận xét: "Huy có năng lực chuyên môn tốt, nhiệt tình và giàu sức sáng tạo. Không chỉ nhiệt tình kèm cặp, đào tạo lớp thợ kế cận cho DN, Huy còn biết cách khơi dậy đam mê sáng tạo ở họ. Ngoài công việc chuyên môn, Huy còn là cán bộ Công đoàn năng nổ, luôn hết lòng với đoàn viên.
Theo Người lao động