1. Từ buổi bình minh của lịch sử, con người luôn có nhu cầu cải tạo thế giới theo kích cỡ của chính nó cho phù hợp và để thỏa mãn những nhu cầu cầu đa dạng và ngày càng cao của mình. Cùng với đó là những ước mơ, khát vọng, dự báo, phác thảo về một tương lai tốt đẹp hơn, phản ánh một cách nhìn về vũ trụ, về nhân sinh mà con người nỗ lực để hình thành và hiện thực hóa. Ban đầu, ước mơ, khát vọng của con người thể hiện qua các huyền thoại, truyền thuyết, sau đó là trong các tôn giáo và cuối cùng là trong các học thuyết xã hội. Trong quan niệm của các nhà tư tưởng tiến bộ, tương lai của nhân loại là một xã hội không có áp bức, bất công, quan hệ giữa người và người là bình đẳng, trẻ em được học hành, người già được chăm sóc... và họ gọi đó là Chủ nghĩa xã hội.
Vượt qua giới hạn của những ước mơ, khát vọng thuần túy của nhân loại hay những dự cảm tuy đẹp đẽ nhưng thiếu cơ sở hiện thực của những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng,với trí tuệ đặc biệt uyên bác được thôi thúc bởi những giá trị cao cả của chủ nghĩa nhân đạo cùng những trải nghiệm thực tiễn cá nhân phong phú, những người sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại để sáng tạo nên một học thuyết khoa học vĩ đại. Học thuyết đó không chỉ vạch rõ bản chất của lịch sử, mà còn đưa ra những dự báo khoa học cho tương lai của loài người. Theo đó, dù khó khăn, phức tạp, dù quanh co và đôi khi là những thụt lùi, song chủ nghĩa xã hội - một chế độ xã hội thật sự tốt đẹp cho con người – phải là tương lai của nhân loại.
Với tư cách là một nấc thang phát triển kế tiếp chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội là sự khắc phục một cách hiện thực những khuyết tật cố hữu của chủ nghĩa tư bản và có khả năng thỏa mãn những ước mơ, khát vọng chân chính của nhân loại, hướng đến một hiện thực không còn ách áp bức, bóc lột giai cấp, dân tộc; con người được giải phóng, được phát triển tự do, toàn diện – những giá trị lớn lao, tốt đẹp mà nhân loại khao khát hướng tới khi các chế độ xã hội trước chủ nghĩa xã hội không thể giải quyết được. Những giá trị đó được giai cấp công nhân và nhân dân lao động kiến tạo sau khi giành được quyền lực chính trị trên cơ sở liên hợp của những người lao động, dưới sự lãnh đạo của chính đảng cách mạng, tiếp tục thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng hiện thực cho công cuộc giải phóng con người một cách triệt để. thực thi và phát huy dân chủ thông qua nhiều hình thức, nhiều công cụ mà nhà nước xã hội chủ nghĩa là công cụ hùng mạnh nhất. Một nền văn hóa mới mang tính nhân dân sâu sắc từng bước được xây dựng và trở thành nền tảng, thành động lực cho phát triển. Nạn áp bức dân tộc vĩnh viễn bị xóa bỏ, các dân tộc trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia cùng chung sống trong một môi trường hòa bình, hữu nghị và hợp tác để phát triển vì lợi ích chung. Đó không phải là “sự chia đều sự nghèo khổ cho mọi người” như những học giả tư sản cố tình xuyên tạc, vì sự thăng tiến của lực lượng sản xuất xã hội là cơ sở, nền tảng, cốt vật chất để thõa mãn các nhu cầu của con người, cho sự tồn tại cũng như quá trình tiến bộ hóa, nhân đạo hóa các quan hệ xã hội và sự phát triển của tư tưởng và giá trị xã hội.
2. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là rất khó khăn, lâu dài và không có một hình mẫu duy nhất cho mọi quốc gia trên thế giới. Vì vậy, câu hỏi chủ nghĩa xã hội là gì và để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội cần có những biện pháp, con đường nào vẫn luôn là câu hỏi được các chính đảng công nhân đặt ra và giải đáp.
Trước yêu cầu của thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dày công nghiên cứu và có những kiến giải sâu sắc về các vấn đề trên. ổng Bí thư đã cho thấy, trong điều kiện Việt Nam, để mang lại hạnh phúc thật sự cho nhân dân, cần phải kiên trì, kiên định các giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội mà nhân loại hướng đến, đồng thời nhận thức và vận dụng sáng tạo các giá trị đó phù hợp với điều kiện Việt Nam và bối cảnh mới của thời đại.
Trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư đã trả lời rất thuyết phục một câu hỏi đặc biệt lớn của thời đại chúng ta, nhất là sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu. Đó là “lịch sử cáo chung”, chủ nghĩa tư bản là nấc thang cuối cùng – những luận điểm mà một số học giả tư sản thường hay rêu rao, hay Chủ nghĩa xã hội là tương lai của nhân loại.
Những điều chỉnh theo hướng quan tâm hơn trong giải quyết các chế độ phúc lợi xã hội không chỉ trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao mà còn là kết quả nỗ lực to lớn của giai cấp công nhân, những người lao động trong cuộc đấu tranh vì công lý, vì tiến bộ xã hội. Đây là một lưu ý đặc biệt cần thiết bởi đã có không ít người dao động về niềm tin cộng sản, lý tưởng hóa các giá trị tư sản, ca ngợi chủ nghĩa tư bản một chiều. Vẻ hào nhoáng bề ngoài của chủ nghĩa tư bản đã phải trả giá bằng sự bần cùng hóa với tốc độ ngày càng lớn của người lao động, hình thành thế giới đối nghịch giữa những người nắm giữ tài sản thế giới và những người lao động; giữa người giàu và người nghèo (1% và 99%); sự cạn kiệt tài nguyên và hệ sinh quyển sống; sự thừa thãi và lãng phí ở cấp độ toàn cầu; sự xung đột, chiến tranh và nạn khủng bố quốc tế; sự chia rẽ sâu sắc giữa các dân tộc, sắc dân; sự chà đạp nhân phẩm hay bản sắc.
Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh, bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”.
Trong điều kiện Việt Nam, Đảng ta khẳng định thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý là, lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa “là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 thực hiện đường lối đổi mới”. Kinh tế không tách rời mà gắn bó chặt chẽ với xã hội, “tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”, thể hiện bản chất nhân văn, nhân đạo của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng và rõ ràng xa lạ với các luận điệu của các thế lực cơ hội, phản động khi cho rằng, đó thuần túy là sự gán ghép có tính cơ học, không thể ăn nhập giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ở phương diện chính trị là một chế độ chính trị tiến bộ, mang bản chất dân chủ thật sự, mọi quyền lực công đều thuộc về nhân dân và phục vụ nhân dân. Để phát triển bền vững, cần thiết phải phát triển dựa trên nền tảng văn hóa, vì mục tiêu văn hóa và động lực cũng là văn hóa để tạo ra môi trường lành mạnh, kiến tạo một môi trường, một hệ sinh thái tinh thần bảo đảm cho sự phát triển tự do, toàn diện của con người. Đó là một hệ sinh thái nuôi dưỡng lòng nhân ái, sự hòa mục, đồng thuận giữa con người với con người và giữa các cộng đồng, dân tộc để “bản chất loài”, “thuộc tính loài” như quan niệm của C.Mác được phát lộ. Tổng Bí thư cho rằng, “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Lộ trình cách mạng vừa qua càng khẳng định rằng, những giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội mà nhân loại hướng tới càng ngày càng được hiện thực hóa trên mảnh đất Việt Nam và được phản ánh rất sâu sắc qua cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong hệ thống quan điểm đó, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh được xác định dứt khoát là mục tiêu mà Đảng và nhân dân ta kiên trì, kiên định thực hiện. Đồng thời, trở thành những định hướng chỉ đạo nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân ta nhằm khơi dậy khát vọng phát triển để Việt Nam trở thành hùng cường, nhân dân tự do, hạnh phúc. Đó cũng là sự bác bỏ có căn cứ khoa học và thực tiễn với các luận điệu, mưu đồ ngăn cản công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phủ nhận con đường mà chúng ta đã lựa chọn./.
H.T.H