Bộ Y tế dự định sẽ cấp hộ chiếu vaccine cho người dân từ ngày 15/4/2022. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
1. Dư luận rộ lên bình luận về vấn đề này với nhiều ý kiến trái chiều. Điều này hoàn toàn bình thường, người dân có quyền đặt ra các câu hỏi.
Ví dụ Trung Quốc là nước đầu tiên tiến hành thử nghiệm hộ chiếu vaccine, tiếp đến Thụy Điển, Đan Mạch cũng sử dụng công nghệ kỹ thuật số để cấp hộ chiếu vaccine riêng. Rồi sau đó chính Đan Mạch tuyên bố dỡ bỏ “thẻ xanh vaccine” - một dạng của hộ chiếu vaccine. Tiếp là Anh quốc, Thủ tướng Boris Johnson cũng tuyên bố dỡ bỏ hộ chiếu vaccine COVID-19 khi biến thể Omicron đạt mức độ bão hòa.
Hộ chiếu vaccine từ sáng kiến có nguy cơ trở thành “tối kiến” gây tăng thêm thủ tục, sự phiền hà, mất thời gian, khi công cuộc phục hồi kinh tế, tái hòa nhập cần tốc độ “thần tốc” không kém như khi tiến hành tiêm chủng, để cứu nguy cho nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão tàn phá trong im lặng của dịch bệnh COVID-19.
Trong hoàn cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc chiến Nga - Ukraine, mà thực tế là cuộc đối đầu giữa Nga và khối NATO bao gồm các quốc gia châu Âu, đứng đằng sau Mỹ làm cho giá cả nhiêu liệu, kim loại quý tăng vọt, tiếp đến nguy cơ về an ninh lương thực toàn cầu cũng manh nha hiện hình; Vậy Việt Nam triển khai hộ chiếu vaccine liệu có là quá muộn, là lãng phí thời gian tiền bạc một cách không cần thiết?
2. Đến thời điểm hiện tại, tốc độ tiêm vaccine của chúng ta đạt, nhưng bất cập sau khi tiêm thì còn đó:
Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, tính đến ngày 30/3, nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 đã gửi sang khoảng 154 triệu mũi tiêm, còn khoảng 41 triệu mũi chưa gửi (đây là các mũi tiêm cũ, thiếu thông tin cơ bản không thể gửi). Trong 154 triệu mũi tiêm gửi sang, Bộ Công an đã xác thực đúng thông tin được 112.569.288 mũi, còn lại 41.431.113 mũi xác thực sai thông tin.
Như vậy với hai trăm triệu mũi tiêm đã thực hiện, chỉ có hơn một nửa là số liệu đáng tin cậy. Số còn lại thì phải cập nhật, sửa chữa… Tuy nhiên, không phải ai cũng rành rẽ việc khai báo hay sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng. Nhiều công nhân trong các nhà máy còn chưa nhìn thấy tờ chứng nhận tiêm phòng của mình lần nào, do còn nằm trong kho phòng hành chính.
Đoàn khách du lịch từ Lào tới Phú Quốc bằng chuyên cơ. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
3. “Thời thế tạo anh hùng”, việc khó sẽ là cơ hội để nhân tài phát lộ. Hoàn cảnh khó khăn sẽ nảy sinh các sáng kiến, sinh ra những người có năng lực giải quyết các điểm vấn đề. Thực tế vẫn còn nhiều nước yêu cầu sử dụng hộ chiếu vaccine. Việt Nam cũng đã thiết lập quy chế xuất nhập cảnh có sử dụng hộ chiếu này với 17 quốc gia gồm: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia, Belarus, Ấn Độ, Campuchia, Philippines, Maldives, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Sri Lanka, New Zealand, Singapore, Saint Lucia và Hàn Quốc. Đây là các quốc gia đối tác quan trọng, có lượng khách xuất nhập cảnh hai chiều rất đông. Cho nên dù muộn thì hộ chiếu vaccine vẫn là việc cần làm.
Việc cần làm bây giờ là thực hiện ngay ba bước:
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh và xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng.
Bước 2: Sau khi các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác thực thông tin người dân tiêm chủng chính xác thì sẽ ký số để xác nhận thông tin người dân tiêm chủng. Sau đó, dữ liệu sẽ được đưa về hệ thống quản lý cấp chứng nhận hộ chiếu vaccine.
Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm ký số tập trung để cấp hộ chiếu vaccine.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền rộng rãi đến toàn dân, lập các nhóm hỗ trợ giúp người dân kiểm tra, rà roát lại thông tin tiêm chủng của mình trên sổ Sức khỏe điện tử. Hướng dẫn sửa chữa kịp thời vì thực tế nhiều người còn lúng túng khi khai báo bằng các ứng dụng này.
Bộ ngoại giao sẽ vào việc xác nhận quốc gia nào sẽ đọc được các dữ liệu trên ứng dụng, tạo điều kiện cho người dân sử dụng khi xuất nhập cảnh, để người dân có nhu cầu nắm bắt, sử dụng dễ dàng./.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp