Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc thêm áp lực, trong khi thu nhập không bảo đảm khiến nhiều y bác sĩ xin nghỉ việc
Trong các buổi thảo luận ở tổ và ở hội trường tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch năm 2023, một số đại biểu đã đề cập đến hiện tượng công chức, viên chức (CCVC) thôi việc, bỏ việc trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, gây nên những hệ lụy.
Có ý kiến cho rằng việc chuyển dịch lao động từ công sang tư trong cơ chế thị trường là việc bình thường, người lao động nói chung có quyền tự do tìm việc làm ở nơi phù hợp với họ về tiền lương, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, thăng tiến. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng như vậy là làm giảm chất lượng, là chảy máu chất xám ở lĩnh vực công. Vì đa số lao động chuyển dịch từ công sang tư đều có trình độ cao, được đào tạo bài bản, nếu không thì lĩnh vực tư nhân sẽ không thu nạp.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ tháng 1.2020 đến tháng 6.2022, cả nước có 39.552 CCVC nghỉ việc, thôi việc, trong đó có 4.000 là công chức, số còn lại là viên chức. Giáo dục là ngành có số người bỏ việc, thôi việc nhiều nhất với 16.427 người (chiếm 41,53%). Trong số này 49% trở lên có trình độ đại học, 60% dưới 40 tuổi. Tiếp đến là ngành y tế với số CCVC nghỉ việc, thôi việc là 12.198 người, chiếm 30,84%, trình độ đại học và trên đại học là 56,27%, độ tuổi dưới 40 là 74,72%. Trong tổng số gần 40.000 CCVC nghỉ việc có đến 4.700 tiến sĩ, thạc sĩ. Như vậy số CCVC nghỉ việc, thôi việc nhiều người có trình độ cao, được đào tạo qua các trường lớp, có sức khỏe tốt, đang ở độ tuổi sung sức, cống hiến được nhiều cho xã hội.
Câu hỏi đặt ra là số giáo viên, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên nghỉ việc, thôi việc chuyển đi đâu? Đương nhiên là chuyển sang lĩnh vực tư nhân. Giáo viên thì vào các trường tư thục, hoặc tự mở lớp học tại nhà. Bác sĩ, điều dưỡng vào làm tại các bệnh viện tư nhân hoặc mở phòng khám riêng. Ngoài ngành giáo dục, y tế, ở một số ngành nghề kinh tế khác cũng đã xuất hiện tình trạng CCVC thôi việc, nghỉ việc.
Việc lực lượng lao động công chuyển sang làm việc ở lĩnh vực tư nhân, làm cho chất lượng lao động ở khu vực công bị giảm sút. Số lao động chất lượng trung bình ngày càng nhiều lên. Thực tế ở một số cơ quan, đơn vị, muốn tinh giản biên chế những CCVC năng lực chỉ ở mức trung bình và thấp rất khó, không giảm được, trong khi yêu cầu chất lượng CCVC phải được nâng cao để đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong giảng dạy ở nhà trường hay trong các bệnh viện thì gặp khó khăn. Người cần giảm thì cứ bình thản ngồi ì ở lại, người cần ở lại thì “dứt áo” ra đi. Rồi Nhà nước lại tuyển mới, lại mất công đào tạo, bồi dưỡng, kèm cặp...
Nhằm khắc phục tình trạng lao động chuyển dịch từ công sang tư, nhiều ý kiến đề xuất cần cải cách chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, bố trí sử dụng, bổ nhiệm cán bộ; cải thiện môi trường làm việc... Những ý kiến đều mang tính xây dựng, đúng và trúng, nhưng dường như chưa đủ.
Trước mắt, tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã bàn về tăng lương cơ sở đối với CCVC từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%). Đây là tin vui. Việc nâng lương năm 2023 nằm trong tiến trình cải cách tiền lương; áp lực giá cả, lạm phát cũng là những vấn đề cần quan tâm. Cho nên CCVC ở khu vực công cần có cách nhìn khách quan, toàn diện trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tình hình thế giới luôn có biến động, rủi ro khó lường, để chủ động khắc phục những khó khăn trong đời sống thường nhật, chấp nhận sự hy sinh, thiệt thòi có thể, ổn định tư tưởng, công tác và cuộc sống.
Theo Báo Hải Dương