Nhiều kết quả đáng khích lệ
Năm 2011, khi tỉnh Yên Bái bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ có 2/157 xã đạt từ 10-15 tiêu chí, có 17/157 xã đạt 5-9 tiêu chí; hầu hết các xã có cơ sở hạ tầng thiết yếu còn yếu kém, phát triển sản xuất còn manh mún, tự phát, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (gần 30%), thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 14,8 triệu đồng/năm. Kết thúc giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh mới chỉ có 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Song, với sự quyết tâm, kiên trì của cấp ủy, chính quyền địa phương với nhiều giải pháp đồng bộ, sự ủng hộ của nhân dân, sau 10 năm thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái đã đạt kết quả cao và tương đối toàn diện, là minh chứng cho tính đúng đắn của phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”,“việc gì có tác động trực tiếp tới đời sống của người dân thì ưu tiên làm trước”, “chậm nhưng chất lượng, không chạy theo thành tích”.
Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 75/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 50% tổng số xã), 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
Các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế... được đầu tư xây dựng kiên cố, sạch đẹp, phục vụ tốt hơn nhu cầu thiết yếu của người dân. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 88/150 xã (58,7%) đạt tiêu chí về giao thông, 148/150 xã (98,7%) đạt tiêu chí về thủy lợi, 118/150 xã (78,7%) đạt tiêu chí về điện, 83/150 xã (55,3%) đạt tiêu chí về trường học, 80/150 xã (53,3 %) đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, 120/150 xã (80%) đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, 139/150 xã (92,7%) đạt tiêu chí về thông tin và truyền thông, 107/150 xã (71,33%) đạt tiêu chí về giảm tỷ lệ hộ nghèo, 112/150 xã (74,67%) đạt tiêu chí về y tế, 123/150 xã (82%) đạt tiêu chí về văn hóa, 145/150 xã (96,7%) đạt tiêu chí về quốc phòng và an ninh.
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Cổng TTĐT Yên Bái
Các cấp, các ngành quan tâm phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chú trọng xây dựng các mô phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 496 hợp tác xã (HTX), trong đó 299 HTX nông, lâm, ngư nghiệp,197 HTX phi nông nghiệp, từng bước giải quyết công ăn, việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Toàn tỉnh đã giảm được 4,52% hộ nghèo, tương đương với 9.714 hộ nghèo thoát nghèo.
Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, đổi mới, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Công tác khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao, chất lượng điều trị và dịch vụ y tế được cải thiện với 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai tích cực, kịp thời; 98,5% trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin; trên 96,7% người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện hiệu quả, các giá trị văn hóa lễ hội truyền thống được quan tâm, bảo tồn và phát huy. Người dân đã nâng cao ý thức trong xây dựng gia đình gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân ở các vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội được thực hiện tốt, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh nông thôn, xử lý tốt các vấn đề phức tạp phát sinh, không để bị động, bất ngờ. Đẩy mạnh tấn công trấn áp tội phạm, tạo sự chuyển biến rõ nét về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Yên Bái còn một số vấn đề cần khắc phục. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân tại một số nơi mới quan tâm ở diện rộng mà thiếu chiều sâu; vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; công tác xóa đối giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Vấn đề ô nhiễm môi trường tuy đã được kiểm soát nhưng tại một số nơi đang có dấu hiệu tăng. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.
Việc huy động nguồn lực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn; ngân sách đầu tư của Nhà nước hạn chế; vốn huy động trong dân còn thấp, vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp không nhiều. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện và cấp xã còn bất cập về số lượng và chất lượng, nhất là tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Một số kinh nghiệm
Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 61/NQ-TU của Tỉnh ủy “Về phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa giai đoạn 2014-2020”, Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 20/3/2015 của Tỉnh ủy phê duyệt “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020”.
Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững; tạo môi trường thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, thúc đẩy các mô hình hợp tác xã liên doanh, liên kết có hiệu quả; thực hiện tốt Đề án quốc gia “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh.
Đặc sản Miến đao Giới Phiên đạt chất lượng sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Cổng TTĐT Yên Bái
Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức thiết thực để người dân dễ hiểu và tích cực tham gia trên tinh thần tự nguyện.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo công khai, minh bạch trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Có như vậy, mới khơi dậy được nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân để hòan thành các tiêu chí về nông thôn mới.
Huy động, lồng ghép mọi nguồn lực tập trung cho Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu, các dự án hỗ trợ đang thực hiện trên địa bàn. Các địa phương cần chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tuyên truyền rộng rãi và có các biện pháp giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Những kết quả và kinh nghiệm thời gian qua là cơ sở vững chắc để tỉnh Yên Bái nỗ lực hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian tới, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống./.
Lâm Văn Hưng