Cuộc đua bán dẫn toàn cầu đang nóng lên. Chính phủ Việt Nam đang có những hành động quyết liệt và kịp thời để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhằm đưa Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu, trở thành mắt xích quan trọng không thể thiếu trong hệ sinh thái này. Con đường đi đến mục tiêu đó bên cạnh những thuận lợi1 còn gặp không ít khó khăn.
Thứ nhất, việc chế tạo sản phẩm bán dẫn rất phức tạp và đi kèm với chi phí rất lớn
Năng lực và vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. Trong khi đó, chi phí đầu tư cao, mức đầu tư cho sản xuất chip rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt, các dây chuyền sản xuất phức tạp. Đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi Việt Nam phải tìm mọi cách để có được nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực này.
Thứ hai, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn
Không có ngành công nghệ cao nào lại phụ thuộc nhiều vào những con người sáng tạo trình độ cao như ngành bán dẫn. Nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000-10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%2. Mặc dù Việt Nam có lợi thế về dân số trẻ, thông minh, sáng tạo,.. như đã nêu trên, song nguồn nhân lực cao cho ngành công nghiệp này lại rất thiếu, không thể đào tạo ngay được trong “một sớm, một chiều”.
Mặt khác, Nhân lực thiết kế chip phải là những bộ óc tài năng từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, với một điều kiện bắt buộc là phải sử dụng thành thạo công nghệ thông tin như một công cụ. Trong khi đó, nguồn giáo viên đào tạo trong nước lại hạn chế; việc thu hút chuyên gia nước ngoài về Việt Nam giảng dạy và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn do nhiều vướng mắc trong chính sách lương và đãi ngộ.
Việt Nam đang xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư và xây dựng 18 phòng lab tiêu chuẩn tại 18 trường đại học. Mặc dầu có những thuận lợi, nhưng mục tiêu này cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trước hết là làm sao thu hút được chuyên gia nước ngoài, trong đó có chuyên gia là Việt kiều ở nước ngoài chuyên sâu về lĩnh vực này trong khi nguồn chuyên gia trong nước rất ít ỏi.
Đó là những khó khăn, thách thức vô cùng lớn đòi hỏi phải có chiến lược cụ thể, lâu dài.
Thứ ba, hệ thống giáo dục, đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và R&D. Thêm vào đó, sự kết nối giữa giáo dục, đào tạo với nhu cầu thực tế của ngành công nghiệp bán dẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Thứ tư, cạnh tranh quốc tế trong ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng gia tăng
Các quốc gia đều đua tranh cải thiện để thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp quan trọng này, đều hướng tới mục tiêu là mắt xích quan trọng, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Cạnh tranh mạnh mẽ, khốc liệt từ các quốc gia vốn có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển mạnh mẽ như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), nơi đã thiết lập được vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam.
Dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch covid-19, xung đột quân sự Nga-Ukraine, Trung Đông,… chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu bị đứt gãy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất. Các nước trên thế giới đều tích cực đầu tư, và thu hút FDI phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Liên minh Châu Âu đã công bố Đạo luật chip, khuyến khích hoạt động sản xuất chip. Mỹ đã thông qua Đạo luật Khoa học và Chips. Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành trung tâm chip bán dẫn toàn cầu. Trung Quốc tham vọng tự chủ được chip. Hàn Quốc có nhiều ưu đãi cho các nhà sản xuất chip trong nước. Nhật Bản nỗ lực vực dậy nền công nghiệp bán dẫn…. Đặc biệt là sau khi chuỗi cung ứng đứt gãy, chuỗi cung ứng có xu hướng chuyển dịch sang nhiều nước không truyền thống khác, trong đó có các nước Đông Nam Á. Cơ hội cho tất cả các nước trong khu vực này, trong đó có Việt Nam, là như nhau. Vấn đề đặt ra là nước nào “nhanh chân” chớp cơ hội hơn. Nếu Việt Nam không nhanh chóng nắm thời cơ để tham gia vào chuỗi cung ứng này thì sẽ có thể tuột mất cơ hội.
Việt Nam có thuận lợi trong phát triển kiểm thử và đóng gói, tuy nhiên, lại phải cạnh tranh với rất nhiều nước trong lĩnh vực này như: Malaysia, Indonesia,… Đây là thách thức lớn. Nếu không nhanh chóng có chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể bị tuột mất cơ hội gia nhập công đoạn này trong chuỗi sản xuất bán dẫn bởi nếu không đẩy nhanh thu hút đầu tư và tham gia vào công đoạn này trong giai đoạn từ nay đến 2030 thì những công ty lớn liên quan đến sản xuất chip sẽ định hình được chuỗi cung ứng, trong đó công đoạn này lại được lựa chọn đặt ở nước khác Việt Nam.
Đây là cả thách thức lớn của Việt Nam nếu muốn có vị trí quan trọng, là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.
Thứ năm, hạn chế về cơ sở hạ tầng và logistics
Ngành công nghiệp bán dẫn tiêu tốn rất nhiều năng lượng và yêu cầu nguồn nước sạch để sản xuất các vật liệu tinh khiết và trang thiết bị có tính năng cao. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam chưa đồng bộ. Một số cảng biển chưa đáp ứng được nhu cầu về quy mô và chất lượng phục vụ.
Công nghệ và quản lý logistics còn lạc hậu. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý chuỗi cung ứng, vận tải và kho bãi còn hạn chế, làm giảm hiệu quả hoạt động và tăng chi phí. Nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực logistics còn thiếu và yếu về kỹ năng quản lý, vận hành hiện đại, đặc biệt là trong việc áp dụng công nghệ mới và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây là một thách thức, khó khăn mà Việt Nam phải tính tới trong quá trình phát triền ngành công nghiệp này.
Thứ sáu, hạn chế về tiếp cận công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển, khó khăn trong việc đàm phán quyền sử dụng công nghệ do chi phí cao và các yêu cầu pháp lý phức tạp, quy định về thủ tục hành chính còn tương đối phức tạp.
Việc chậm trễ trong việc cập nhật công nghệ mới bởi nhiều lý do trong đó có nguyên nhân đầu tư ngân sách thấp. Tổng chi quốc gia cho R&D của Việt Nam năm 2021 là 36.066 tỷ đồng (bằng 0,42%) GDP, trong đó ngân sách nhà nước là 11.137,9 tỷ (chiếm hơn 30%), còn lại là ngân sách ngoài nhà nước, chiếm gần 70%3. Đầu tư cho R&D còn thấp, ngân sách hạn hẹp gây ra hạn chế trong việc phát triển sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thu hút và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực R&D.
Thứ bảy, Việt Nam có lợi thế là nước đứng thứ 2 trong số 5 quốc gia có nguồn đất hiếm trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ phân tách đất hiếm. Công nghệ khai thác đất hiếm rất phức tạp và chỉ tập trung ở một số nước như Mỹ, Canada, Trung Quốc, các nước này giữ độc quyền công nghệ và đưa ra điều kiện khắt khe trong hợp tác. Đây là thách thức lớn đối với Việt Nam.
Thứ tám, kiều bào là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và các doanh nghiệp, chuyên gia bán dẫn nước ngoài trong việc tìm đối tác tin cậy, chuyển giao công nghệ, tiếp cận các công nghệ sản xuất chip tiên tiến, rút ngắn khoảng cách công nghệ so với các nước phát triển. Tuy nhiên, họ đang gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin đầu tư và thủ tục hành chính của Việt Nam. Đồng thời việc thu hút họ cũng là vấp phải những khó khăn không nhỏ đòi hỏi Việt Nam phải tháo gỡ như: đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ về nhà ở, giáo dục con cái,…
Việt Nam không thể đi đến đích nếu chỉ đi một mình. Việt Nam rất cần sự hợp tác nhanh, mạnh, toàn diện với các quốc gia, các nền kinh tế, doanh nghiệp, các đối tác hàng đầu thế giới về bán dẫn, các chuyên gia, thu hút đội ngũ Việt kiều có kinh nghiệm, chuyên môn cao để tận dụng cơ hội, phát huy tiềm năng, tận dụng lợi thế để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Hương Bùi
Tài liệu tham khảo và chú thích
1. Hương Bùi: “Những thuận lợi trong phát triển công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam”, thinhvuongvietnam.com.
2, 3. “Phát triển công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam: Tiềm năng và thách thức”, https://tapchitaichinh.vn/, ngày 11/03/2024.
Hương Bùi