Thứ nhất, nếu có quan điểm, nhận thức khác nhau về một vấn đề nào đó thì cần phải trao đổi, thảo luận kỹ, thậm chí phải chờ đợi nhau và từ thực tiễn để đi đến thống nhất nhận thức.
Khi thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh từ đặc điểm và mâu thuẫn của xã hội Việt Nam, đề cao vấn đề đấu tranh dân tộc nhằm làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập. Nhưng một số đồng chí lại đề cao đấu tranh giai cấp theo quan điểm của Quốc tế Cộng sản. Từ thực tiễn cách mạng, tại Hội nghị lần thứ sáu (11-1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì, Trung ương Đảng đã chủ trương nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc. Quan điểm của Trung ương và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn thống nhất. Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước cùng Trung ương hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc, dẫn đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, kinh tế-xã hội lâm vào khủng hoảng. Đất nước đứng trước yêu cầu khách quan phải đổi mới. Chỉ có đổi mới mới tồn tại và phát triển và điều này đã trở thành mệnh lệnh của cuộc sống. Nhưng vẫn có một số ý kiến không muốn đổi mới, phản ánh sự bảo thủ, trì trệ trong nhận thức và hành động. Phải từ khảo nghiệm thực tế, đổi mới từng phần có hiệu quả mới khẳng định xu thế, biện pháp đổi mới là cần thiết, bức thiết, đúng đắn từ đó Đảng đi đến thống nhất quyết định đường lối đổi mới tại Đại hội VI (12-1986). Tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc hay kháng chiến chống xâm lược dễ tìm được sự thống nhất và quyết tâm chung. Nhưng xây dựng và phát triển đất nước như thế nào để tiến tới chủ nghĩa xã hội thường có nhận thức khác nhau. Phải từ thực tiễn đất nước để làm rõ quy luật khách quan.
Cuộc đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng mấy năm gần đây, nhất là từ sau Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (1-2012) và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (10-2016) là chủ trương lớn phù hợp lòng dân và ý Đảng. Song không phải không có người không tin có thể làm được, thậm chí thờ ơ, lảng tránh coi đó là việc của người khác, cơ quan khác. Các thế lực thù địch lợi dụng việc này để chia rẽ nội bộ Đảng, dựng chuyện trong Đảng đang có phái này, phái kia và vu cáo chống tham nhũng đang tiến hành chỉ là “cuộc chiến thanh trừng phe phái trong nội bộ Đảng”. Thực tiễn, những kết quả và chuyển biến tích cực của cuộc đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, nhất là chống tham nhũng với những vụ việc kỷ luật cả những cán bộ lãnh đạo cao cấp, đưa ra xét xử những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn đã khẳng định trong cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp đó không có vùng cấm, không có chuyện hạ cánh an toàn. Quyết tâm và cách làm bài bản có hiệu quả đã củng cố niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân. Đó là cơ sở quan trọng để thống nhất nhận thức và hành động. Khi đã thành phong trào mạnh mẽ vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển của đất nước thì không ai có thể đứng ngoài cuộc.
Công cuộc đổi mới đã làm sáng tỏ và nhận thức ngày càng rõ hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa sâu sắc, củng cố sự thống nhất nhận thức trong Đảng, nhận thức trên cơ sở khoa học và hiện thực.
Thứ hai, thường xuyên tự phê bình và phê bình và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc xây dựng và hoạt động của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ trong Di chúc: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”. Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc và quy luật phát triển của một Đảng chân chính cách mạng. Nguyên tắc và quy luật đó luôn luôn gắn bó hữu cơ với nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng, nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân và nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với những quyết sách đúng đắn bảo đảm đưa cách mạng đi đến thắng lợi, Đảng cũng có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi lần mắc khuyết điểm, Đảng đều kịp thời phát hiện tự phê bình và đề ra cách sửa chữa. Năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm Tự chỉ trích để sửa chữa chủ trương của một số đồng chí không đúng với đường lối của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nêu rõ:
“Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Tự chỉ trích để sửa chữa khuyết điểm, để Đảng củng cố sự thống nhất nhận thức và hành động. Vì thế, “những kẻ nghịch, chớ vội hí hởn tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm bè phái gì giữa những người cộng sản mà uổng công”. “Chúng ta không cãi vã những chuyện nhỏ nhen. Chúng ta là người cách mạng, chúng ta đứng về lợi ích về công cuộc của dân chúng mà chỉ trích những khuyết điểm”.
Gần tám mươi năm trước, Tổng Bí thư của Đảng đã nêu rõ quan điểm kiểu mẫu về mục tiêu, thái độ và phương pháp tự chỉ trích trong Đảng và vẫn nguyên giá trị khoa học, cách mạng cho đến ngày nay. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, có một số cán bộ, đảng viên nắm chức vụ trong chính quyền đã phạm những lỗi lầm như: Trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê bình nghiêm khắc trong thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp ngày 17-10-1945. Ngày 28-1-1946, Hồ Chí Minh có bài Tự phê bình về những gì Chính phủ làm còn chưa tốt. Tháng 10-1947, Người viết Sửa đổi lối làm việc đặt lên hàng đầu vấn đề phê bình và sửa chữa khuyết điểm. Sai lầm trong cải cách ruộng đất năm 1956, Trung ương Đảng đã công khai tự phê bình trong nội bộ và trước nhân dân và đã sửa sai kịp thời. Tại Đại hội VI của Đảng (12-1986), với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đảng đã nghiêm khắc tự phê bình về “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn”, về bệnh giáo điều, chủ quan duy ý chí, nóng vội và quyết tâm sửa chữa bằng đổi mới tư duy, vận dụng đúng đắn quy luật khách quan, nắm chắc thực tiễn đất nước đề ra đường lối đổi mới thích hợp.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng đã nhiều lần tự phê bình về những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo và trong công tác xây dựng Đảng qua các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Nhiều hội nghị trung ương đã thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm về xây dựng Đảng ảnh hưởng đến nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI (3-1989), Nghị quyết Trung ương 7 khóa VI (8-1989), Nghị quyết Trung ương 8 khóa VI (3-1990), Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII (6-1992), Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (2-1999), Nghị quyết Trung ương 4 khóa X (2-2007).
Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (1-2012) đã ban hành nghị quyết Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (10-2016) ban hành nghị quyết Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đảng và nhân dân đều nhận thức rõ một thực tế là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Khuyết điểm, yếu kém về xây dựng Đảng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của đất nước. Vì vậy, cần được nhận diện rõ và sửa chữa kịp thời. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI thẳng thắn nhìn nhận:
“Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Từ năm 2012, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, toàn Đảng đã tiến hành đồng bộ các giải pháp được đề ra, trong đó giải pháp hàng đầu là tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên. Cùng với tự phê bình và phê bình là siết chặt kỷ luật Đảng và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Từ năm 2012 đến hết năm 2015, đã xử lý kỷ luật 54.000 cán bộ, đảng viên với các hình thức, mức độ khác nhau. Tuy vậy, “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (10-2016) là bước tiến quan trọng và đặc biệt nghiêm khắc khi trong nghị quyết đã chỉ rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tiếp tục nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng. Những hạn chế, khuyết điểm đó “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.
Tự phê bình nghiêm khắc gắn liền với hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và sửa chữa có hiệu quả thông qua siết chặt kỷ luật Đảng, kỷ cương, pháp luật Nhà nước. Đó là thực tế đã và đang diễn ra trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Những kết quả đó đã củng cố vững chắc hơn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Các thế lực thù địch dù với động cơ và thủ đoạn gì cũng không thể kích động hình thành phe phái và chia rẽ nội bộ Đảng (còn tiếp)./.
NTP