Khi chuẩn bị những điều kiện để thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức rõ, cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng lãnh đạo mới thành công. Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu và phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Sau này, Người nhấn mạnh: Đảng không có lý luận cũng như người đi trong đêm tối hay nhắm mắt mà đi. Lý luận mang tính khoa học và cách mạng đó là chủ nghĩa Mác-Lênin. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam, đề ra Cương lĩnh, đường lối đúng đắn đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ chế độ phong kiến lạc hậu và thân phận nô lệ trong chế độ thuộc địa, dân tộc Việt Nam do Đảng lãnh đạo đã giành được độc lập, thống nhất hoàn toàn, đang xây dựng đất nước giàu mạnh phồn vinh “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với thành quả lãnh đạo đó, “Đảng ta xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay”.
Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động là quan điểm nhất quán và được tổng kết từ thực tiễn cách mạng Việt Nam. Chính thực tiễn cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và chiến tranh cách mạng, chính quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và đổi mới ở Việt Nam đã chứng minh bản chất cách mạng, khoa học và giá trị bền vững của học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là quá trình hiện thực hóa thành công nền tảng tư tưởng, lý luận và cũng là bảo đảm cho sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng.
Hồ Chí Minh tiếp thu lý luận Mác-Lênin từ cội nguồn, tránh được những nhận thức lệch lạc, thậm chí không đúng và Người đã truyền bá có hệ thống, sáng tạo lý luận đó vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Cách chiến sĩ cộng sản Việt Nam nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin không hời hợt, ở trong nhà tù của đế quốc cũng ra sức học tập với niềm tin vững chắc. Ở mọi thời kỳ cách mạng, Đảng kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại, cơ hội, xuyên tạc hoặc phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi các Đảng Cộng sản, các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng từ năm 1989, xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin dẫn tới sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, coi đó là một nguyên tắc chỉ đạo đổi mới. Đó là cái căn bản để thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng, làm thất bại mưu toan đòi đa nguyên chính trị và chế độ đa đảng. Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin với sự vận dụng phát triển sáng tạo đã bảo đảm tính đúng đắn, khoa học của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới và có được thành tựu như ngày nay.
Đại hội VII của Đảng (6-1991) khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Việc nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới đã có những thành quả quan trọng. Đại hội IX của Đảng (4-2001) đã tổng kết những nội dung căn bản của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khẳng định những di sản lớn lao Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và dân tộc.
Sự thống nhất về hệ tư tưởng là bảo đảm sự thống nhất về mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và sự vững chắc về tổ chức. Từ trước tới nay, các thế lực thù địch tìm mọi cách để chia rẽ nội bộ Đảng với những thủ đoạn kích động, lôi kéo người này, người khác đồng thời tiến công vào nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng. Mọi mưu toan phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là dùng bàn tay che mặt trời. Chính thực tiễn cách mạng Việt Nam, công cuộc đổi mới với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đã và đang chứng minh sức sống và giá trị bền vững của học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thống nhất nhận thức, hành động và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhấn mạnh:
“Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị”.
Để tiến công vào khối thống nhất vững chắc của Đảng, các thế lực thù địch đòi Đảng phải từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ-nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Đó là nguyên tắc phát huy cao nhất dân chủ trong Đảng với trí tuệ tập thể để có được quyết định tập trung đúng đắn. Tập trung trên cơ sở dân chủ, dân chủ rộng rãi được bảo đảm bởi quyết định tập trung. Nguyên tắc cơ bản đó đòi hỏi cá nhân phục tùng tổ chức, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Trung ương. Cán bộ, đảng viên có quyền trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình. Đảng viên phải nghiêm chỉnh thi hành Điều lệ Đảng và những quy định của Đảng. Nếu không có nguyên tắc tập trung dân chủ thì Đảng trở thành câu lạc bộ, không còn bản chất cách mạng, sức chiến đấu và không thể thực hiện được vai trò lãnh đạo. Cần phải thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ để thực hiện dân chủ trong Đảng thực chất và chống biểu hiện tập trung quan liêu hay lộng quyền, lạm quyền.
Hiện nay, Đảng đang siết chặt kỷ luật Đảng để chống suy thoái, tiêu cực và tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững bền. Nhà nước, Chính phủ đề cao pháp luật trong tổng thể: Kỷ cương-Liêm chính-Hành động-Sáng tạo-Hiệu quả. Những quyết sách và hành động đó của Đảng, Nhà nước là hợp vận nước và lòng dân, không một thế lực nào có thể nghi ngờ và xuyên tạc. Dù còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, trong đó có cả cán bộ cao cấp, song không vì thế mà suy giảm bản chất cách mạng trong sáng của Đảng. Điều đó càng đòi hỏi quyết tâm chiến đấu chống lại những gì là tiêu cực, lạc hậu và hư hỏng. Trên bước đường đi lên hiện nay dù còn nhiều khó khăn, thử thách, yếu kém, “Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta-Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng”.
NTP