Hỏi: Xin cho biết những nội dung cơ bản của tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Trả lời
Ngày 15-10-1949, báo Sự thật, số 120 đã đăng bài “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z. Bài báo ra đời trong thời điểm cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải được chú trọng, tăng cường hơn nữa trong nhận thức và hành động nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho việc hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề của cách mạng Việt Nam thời kỳ đó.
Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ngắn gọn với dung lượng 573 từ, gồm 04 phần: Nước ta là nước dân chủ; Dân vận là gì ? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào? được thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với quần chúng; văn phong súc tích, có tính khái quát cao; kết cấu chặt chẽ, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ làm theo.
Với một quan niệm đơn giản, dễ hiểu, Hồ Chí Minh định nghĩa: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”(1). Trong định nghĩa đó hàm chứa phương hướng, mục tiêu, đối tượng, phương thức vận động của công tác dân vận. Theo Hồ Chí Minh có 2 điểm cốt yếu của dân vận cần thực hiện cho kỳ được: thứ nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ lợi ích của công tác dân vận và xác định “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”(2); thứ hai là “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân”(3). Theo Bác công tác dân vận muốn đạt kết quả tốt thì các “công bộc” của dân phải bàn bạc trao đổi với dân trên tinh thần dân chủ, cởi mở, bình đẳng. Bởi theo Người, quần chúng rất thông minh và sáng tạo nên cán bộ, đảng viên phải tin dân, hiểu dân, học dân, bàn bạc với dân, rời xa dân chúng là thất bại. Do đó phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” làm sao phải đi vào thực chất tránh hình thức, chiếu lệ.
Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác dân vận, Bác Hồ cho rằng “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận”(4). Như vậy, theo quan niệm của Bác, các chủ thể trong hệ thống chính trị đều phải làm công tác dân vận chứ không chỉ riêng của Ban Dân vận các cấp. Người yêu cầu cán bộ chính quyền và Đoàn thể phải thực hiện “3 cùng”, đằm mình trong thực tiễn để “giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn… đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ,v.v.”(5), chứ không phải làm dân vận theo mệnh lệnh hành chính, quan liêu giấy tờ, xa rời thực tiễn cuộc sống của dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác thảo phương thức, phong cách làm công tác dân vận cho những người phụ trách công tác dân vận. Đó là “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”(6). Những tác nghiệp, kỹ năng đó đòi hỏi cán bộ dân vận phải bám sát thực tiễn cuộc sống, “hóa thân” vào quần chúng mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ đi giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành.
Công tác dân vận vừa là một khoa học, vừa là nghệ thuật, do đó, đòi hỏi những người làm công tác dân vận phải có một phẩm chất, kiến thức năng lực nhất định. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác dân vận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ hiện trạng “Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”(7). Vì vậy, trong tình hình hiện nay chọn lựa được một đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vừa có tâm, có tầm, có tài để làm công tác vận động quần chúng thực sự là yêu cầu cấp bách. Bởi lẽ, “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(8).
Bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời đến nay đã gần 73 năm nhưng tác phẩm vẫn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là “cương lĩnh dân vận” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là “kim chỉ nam” về công tác dân vận trong mọi giai đoạn cách mạng. Tuy ngắn gọn, song bài báo của Người đã trình bày rất súc tích bản chất, vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận, phương pháp, quy trình dân vận, tác phong người cán bộ dân vận và đặc biệt, đã nêu ra một khái niệm giản dị nhưng nội hàm để đời - “dân vận khéo”. Vì thế, tác phẩm “Dân vận” luôn là cơ sở lý luận kinh điển để Đảng, Nhà nước ta hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật về công tác dân vận; là cẩm nang quý báu cho các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị nghiên cứu, học tập nhằm thực hiện công tác dân vận ngày một tốt hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay./.
Ngọc Cảnh
Chú thích
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H., 2011, t.6, tr. 232, 232, 232, 233, 233, 233-234, 234, 234.