Hỏi: Xin cho biết những nội dung cơ bản trong tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Trả lời
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội, tại số nhà 48 phố Hàng Ngang của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Và ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước cuộc mít tinh của hàng chục vạn người đủ các tầng lớp ở cả trong nước và nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, tuyên bố với quốc dân và thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(1). Tuyên bố đó đã thể hiện ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Tuyên ngôn độc lập có 1.120 từ, được sắp xếp trong 49 câu. Đây là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Từ những dòng đầu tiên trong Tuyên ngôn độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những câu nổi tiếng nhất trong hai bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Pháp với thái độ rất trân trọng: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”(2) và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(3). Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất phát từ những giá trị nhân văn cao cả, mang tính phổ quát toàn nhân loại làm cơ sở, mục tiêu cho cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Từ đó, Người khẳng định cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam cũng là nhằm thực hiện những quyền chính đáng, thiêng liêng không ai có thể xâm phạm, là sự tiếp nối của lá cờ giải phóng dân tộc, giải phóng con người mà các cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ đã giương cao. Người đi đến khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(4) và “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”(5). Cách lập luận này vừa khéo léo lại vừa cương quyết, Bác cho người đọc thấy rõ sự tôn trọng của mình đối với bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791.
Cũng từ việc khẳng định đạo lý và chính nghĩa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần bộ mặt giả dối, bản chất tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp. Trong Tuyên ngôn độc lập, Người đã khái quát một cách sâu sắc tội ác của thực dân Pháp trong 80 năm cai trị ở đất nước ta trên tất cả các mặt, đặc biệt là việc chà đạp, tước đoạt quyền các quyền tự nhiên của con người, của dân tộc. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”(6); đồng thời nhấn mạnh, “các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”(7). Bởi, “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”(8).
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định những giá trị về quyền con người và mở rộng ra là quyền của một quốc gia, dân tộc, cơ sở pháp lý vững chắc cho sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nếu như trong bản Tuyên ngôn của nước Mỹ đã đề cập đến cả quyền con người, quyền dân tộc, thì đến bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam đã gắn kết hai phạm trù pháp lý cơ bản này trong mối liên hệ biện chứng, chặt chẽ với nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người, và ngược lại, thực hiện quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Quyền con người cao nhất chính là được sống trong đất nước tự do, là công dân của một nước độc lập. Từ việc khẳng định các giá trị của một dân tộc là quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền con người chỉ thực sự được bảo đảm khi gắn liền với quyền độc lập, tự do của dân tộc. Từ quyền con người suy rộng ra quyền dân tộc, Tuyên ngôn độc lập đã góp phần tạo lập và khẳng định một nền pháp lý và công lý mới của văn minh nhân loại, hướng tới công bằng, bình đẳng, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột, bất công trên bình diện quốc gia và quốc tế. Công lý ấy về sau không chỉ trở thành nguyên tắc lập hiến của Việt Nam, của nhiều quốc gia khác mà trở thành điều khoản pháp lý quốc tế khi nó đã được ghi vào Liên hợp quốc với các công ước quốc tế liên quan đến chủ quyền quốc gia, về quyền độc lập dân tộc và quyền tự quyết.
Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ, súc tích về tiến trình đấu tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc để đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, qua đó làm nổi bật sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xuyên suốt toàn bộ bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều cách diễn đạt khác nhau để nói về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, như “nhân dân cả nước ta”, “dân ta”, “toàn dân Việt Nam”, “một dân tộc”... Từng câu, từng chữ trong Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào đều toát lên khí phách của một dân tộc anh hùng, bất khuất, dù phải đương đầu với bất kỳ thử thách nào cũng không cúi đầu cam chịu làm nô lệ. Cơ sở, cội nguồn của khí phách ấy, của tư thế hiên ngang ấy chính là từ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự thống nhất ý chí và hành động của toàn thể dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập nhắc nhở chúng ta rằng: Giành được độc lập đã khó, nhưng giữ vững được độc lập, để đất nước phát triển bền vững, nhân dân được hạnh phúc và tự do còn khó khăn gấp bội phần. Muốn thực hiện được điều lớn lao đó, phải tiến hành cuộc cách mạng triệt để, dựa vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân và phải luôn luôn vì quyền lợi của nhân dân. Đấy cũng là ý nghĩa sâu xa của bản Tuyên ngôn độc lập.
Tuyên ngôn Độc lập thể hiện rất rõ chủ thể của cuộc cách mạng chính là nhân dân, thành quả cách mạng đạt được do nhân dân làm ra và nhân dân là người bảo vệ thành quả đó: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà”(9). Có thể nói, khái niệm nhân dân mà Hồ Chí Minh sử dụng không bó hẹp trong giai cấp, tầng lớp nào mà là mọi người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt giới tính, địa vị, tôn giáo, giai cấp.
Sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập thực sự là một mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam và trở thành một cuộc đối thoại lớn có ý nghĩa lịch sử trọng đại: Tuyên bố với nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới về việc chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và hàng nghìn năm phong kiến ở Việt Nam, mở ra giai đoạn mới của một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, tự chủ, đồng thời đấu tranh bác bỏ những âm mưu tái chiếm Việt Nam của các lực lượng thù địch đặc biệt là Pháp và Mỹ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc tế. Tuyên ngôn Độc lập báo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới; thời đại phá tan xiềng xích của chủ nghĩa thực dân; thời đại của các dân tộc bị áp bức, bóc lột giành lại quyền sống, quyền độc lập, tự do.
Với những giá trị đó, bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là lời tuyên bố độc lập, khai sinh một Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa theo đuổi mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, mà còn đóng góp quan trong cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người và vì hạnh phúc của con người. 78 năm đã trôi qua, bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn mang một sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3, tr.1, tr.1, tr.1, tr.1, tr.3, tr.3, tr.3, tr.3.
Ngọc Cảnh