Trả lời:
1. Ngày 21/7, Hội nghị Geneva kết thúc. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung bao gồm những nội dung quan trọng như đình chỉ chiến sự, lập lại, duy trì và củng cố hòa bình; tổng tuyển cử thống nhất đất nước; và các vấn đề thi hành hiệp định cho toàn bộ Đông Dương. Sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới.
Trong "Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneve thành công" ngày 22/7/1954, Hồ Chủ tịch đã viết: "Hội nghị Geneve đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to". Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, các nước lớn đã phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam gồm độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chính phủ Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam. Các văn kiện Hội nghị cũng nêu rõ giới tuyến chia cắt 2 miền Việt Nam là tạm thời và sau 2 năm thì 2 miền tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ toàn quốc, khẳng định: “Đạt được Hiệp định nói trên là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta... Đó là kết quả của chín năm kháng chiến của đồng bào toàn quốc từ Nam ra Bắc,... Thắng lợi của ta cũng chính là thất bại của chủ nghĩa thực dân xâm lược muốn nô dịch nhân dân Đông Dương; thất bại của đế quốc Mỹ đang âm mưu biến Đông Dương thành thuộc địa và căn cứ chiến lược của Mỹ, thất bại của bọn tay sai đế quốc Mỹ và thực dân hiếu chiến Pháp, can tâm bán nước cho kẻ địch bên ngoài”.
Khẳng định lại thắng lợi to lớn của Hiệp định Geneva 1954, Báo cáo Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III đã nêu rõ: “Việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc Việt Nam, và đặt cơ sở pháp lý cho việc thống nhất nước Việt Nam là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, hòa bình và dân chủ trên thế giới. Nó phản ánh tình hình lực lượng so sánh ở Đông Dương và trên thế giới lúc bấy giờ”.
Tháng 7/1965, khi trả lời phỏng vấn Nhật báo công nhân (Anh) về ý nghĩa và nội dung quan trọng nhất của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Tôi cho rằng, những điều khoản quan trọng nhất là: Phải tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam; không nước nào được lập căn cứ quân sự ở nước Việt Nam; Việt Nam không liên minh quân sự với bất cứ nước nào; thi hành các quyền tự do dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi…, đi tới thực hiện thống nhất nước nhà…”.
2. Hiệp định Genève là thắng lợi lớn của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của cách mạng Lào, Campuchia và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới:
Thứ nhất, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam cùng với Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Hiệp định Paris năm 1973 đã trở thành 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta, là những nấc thang cực kỳ quan trọng của cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc ta thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Đây là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, thắng lợi của tinh thần nhân văn, nhân đạo và chính nghĩa, thắng lợi của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.
Thứ hai, Hiệp định Giơnevơ đánh dấu sự kết thúc một chặng đường trong quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập tự do của dân tộc. Việc ký kết dựa trên căn cứ và phần nào phản ánh đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, song “ký Hiệp định Giơnevơ là đúng lúc, kết thúc kháng chiến chống Pháp là phù hợp, phản ánh đúng so sánh lực lượng trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc bấy giờ”. Việc ký kết hiệp định là thắng lợi to lớn của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, góp phần cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ và cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, chấm dứt chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Đông Dương. Miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, có hòa bình, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương, căn cứ địa vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam và cả cách mạng Lào, Campuchia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).
Thứ ba, Hiệp định Giơnevơ là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ba nước. Việt Nam, Lào, Campuchia được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Nếu trước đây, tại Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp, thì tại Hội nghị này, trước sự đấu tranh kiên quyết của ta, Pháp và các nước tham gia hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ 3 nước Đông Dương. Đây là cơ sở pháp lý quốc tế để nhân dân ba nước Đông Dương đấu tranh chống lại mọi hành động xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc thời gian tiếp theo. Gần 20 năm sau, Hiệp định Paris năm 1973 đã khẳng định lại những cơ sở pháp lý quan trọng này: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.
Thứ tư, thành quả của Hội nghị Genève có ý nghĩa quốc tế to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, phụ thuộc. Dân tộc Việt Nam nhỏ bé đã kiên cường đấu tranh, giành được những thắng lợi vang dội cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán, buộc các nước lớn công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hiệp định Genève là nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với các dân tộc thuộc địa vùng lên đấu tranh giành lại những quyền dân tộc cơ bản của mình, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ.
Thứ năm, Hiệp định Genève là kết quả của sự ủng hộ mà nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp dành cho nhân dân ta. Mặt khác, thắng lợi của nhân dân ta đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì những mục tiêu lớn của thời đại. Với những ý nghĩa nói trên Hiệp định Genève đã làm nổi bật bài học về sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại được vận dụng sáng tạo trong những giai đoạn sau.
Thứ sáu, tiếp sau việc đình chiến trên bán đảo Triều Tiên, Hiệp định Geneva là một đóng góp quan trọng vào xu thế hòa bình trên thế giới, đáp ứng chủ trương của các nước xã hội chủ nghĩa anh em muốn có hòa bình, thực hiện hòa hoãn để xây dựng.
Hiệp định Giơnevơ thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn Hội nghị./.
Quang Minh (tổng hợp)