Câu hỏi: Xin cho biết nội dung Chính sách quốc phòng của Việt Nam.
Trả lời
Chính sách quốc phòng của Việt Nam được thể hiện đầy đủ trong Sách Trắng quốc phòng Việt Nam 2019 được công bố công khai, minh bạch với toàn thế giới, góp phần tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin của các quốc gia khác với Việt Nam. Sách nêu rõ:
Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam
Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc là mưu lược, kế sách quốc gia nhằm xác định mục tiêu, quy tụ lực lượng và lựa chọn giải pháp có tính khả thi, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc; là chiến lược tổng hợp quốc gia bao trùm, giữ vai trò chủ đạo, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoạch định các chiến lược quốc phòng, quân sự, an ninh quốc gia, đối ngoại và các chiến lược chuyên ngành khác.
Mục tiêu của Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc quán triệt các quan điểm: giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy nội lực bên trong là nhân tố quyết định, nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; xây dựng sức mạnh tổng hợp về chính trị tư tưởng, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Chiến lược Quốc phòng Việt Nam là chiến lược phòng thủ quốc gia, bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược; mang tính hòa bình, tự vệ bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; dựa trên nền tảng đường lối chính trị đúng đắn là nhân tố quyết định, sức mạnh quốc phòng là then chốt, sức mạnh quân sự là đặc trưng, trực tiếp là sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội nhân dân; xây dựng, củng cố quan hệ, lòng tin chiến lược với các nước, nhất là các đối tác chiến lược, tạo thế để bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra.
Chiến lược Quốc phòng Việt Nam là bộ phận chủ đạo, cụ thể hóa Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc cả trong và ngoài lãnh thổ; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; tích cực tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.
Chiến lược Quân sự Việt Nam là nội dung nòng cốt của Chiến lược Quốc phòng, là nghệ thuật sử dụng sức mạnh quân sự nhà nước trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; chủ động ngăn chặn và đẩy lùi các hình thái chiến tranh của địch; tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, sẵn sàng đánh thắng trên các môi trường tác chiến, địa bàn, khu vực trọng điểm. Chiến lược Quân sự Việt Nam còn thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, ngoại giao; vừa chiến đấu, củng cố, phát triển lực lượng, vừa xây dựng, kiến thiết đất nước; tự lực, tự cường, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc với sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, đánh bại ý chí xâm lược của địch, kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi, khôi phục và xây dựng đất nước.
Mục tiêu của Chiến lược Quân sự là giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; xây dựng lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với lực lượng và thế trận an ninh nhân dân trong thời bình ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc; huy động sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân để đánh bại mọi hình thái chiến tranh nếu xảy ra.
Chính sách Quốc phòng Việt Nam
Việt Nam xây dựng sức mạnh quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chính sách Quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.
Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung. Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Việt Nam kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt; chủ động ứng phó với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, sự biến động phức tạp của tình hình. Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của Việt Nam.
Việt Nam phản đối các hoạt động chạy đua vũ trang; xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có sức mạnh tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao; tổ chức tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, hiệu quả cao; cơ cấu tổ chức đồng bộ; điều chỉnh, mở rộng, phát triển lực lượng hợp lý, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ tác chiến. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, chất lượng cao, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với từng địa bàn, loại hình tổ chức kinh tế - xã hội.
Là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ, đồng thời tích cực hợp tác cùng các quốc gia khác giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Việt Nam đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương Liên hợp quốc.
Xuất phát từ chủ trương ủng hộ và tích cực đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và giải trừ quân bị, Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của nước thành viên công ước, hiệp định, nghị định thư về cấm phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), các công ước quốc tế về giải trừ quân bị khác và đang tích cực xem xét, chuẩn bị điều kiện cần thiết để tham gia các công ước, điều ước quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Việt Nam hoan nghênh những sáng kiến nhằm ngăn chặn việc phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống là ưu tiên trong hợp tác quốc phòng của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng hợp tác, cả song phương và đa phương để phòng ngừa, đối phó hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng
Thực hiện Chiến lược Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, là kế sách giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập và củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp, tăng cường vị thế quốc tế và độc lập, tự chủ của đất nước.
Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo phương châm “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; tăng cường lòng tin chiến lược, duy trì môi trường hòa bình, hợp tác cùng phát triển, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, lấy hợp tác là chính trên cơ sở kiên định chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ và lợi ích quốc gia - dân tộc.
Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, xây dựng lòng tin, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ và đối phó với chiến tranh xâm lược; giúp đỡ nước khác khi được yêu cầu bằng khả năng của mình, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị và trình độ phát triển. Việt Nam không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào.
Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng đa phương nhằm góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Chính trị - An ninh đến năm 2025; tham gia xây dựng và triển khai các quy tắc, luật lệ của ASEAN; đề xuất sáng kiến nhằm duy trì hòa bình, ổn định khu vực; tham gia và đóng góp định hình các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh mà Việt Nam là thành viên, trước hết là các cơ chế do ASEAN giữ vai trò trung tâm như ADMM, ADMM+ và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc1; huấn luyện, diễn tập chung về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn; hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả chiến tranh; tích cực tham gia nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đồng thời, Việt Nam xem xét tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh đa phương và cơ quan pháp lý quốc tế khác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
Hợp tác bảo vệ và giao lưu hữu nghị biên giới là một trong những ưu tiên đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. Tăng cường hợp tác tuần tra chung, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia có chung đường biên giới trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; phòng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, di cư, nhập cư bất hợp pháp; tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai ở khu vực biên giới. Việt Nam thực hiện nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận đã ký với các nước; đồng thời, mở rộng việc thiết lập và duy trì đường dây nóng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bộ Quốc phòng các nước; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với hải quân và lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột và ứng phó với những thách thức an ninh chung. Việt Nam sẵn sàng đón tàu hải quân, tàu cảnh sát biển, tàu biên phòng của các nước và các tổ chức quốc tế thăm xã giao, thăm thông thường; ghé đậu để sửa chữa, bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật hoặc trú tránh thiên tai, thảm họa.
Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác của các nước, các tổ chức quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung vào giải quyết vấn đề nạn nhân chất độc da cam/điôxin; làm sạch vùng đất, vùng nước bị ô nhiễm chất độc hóa học và bom mìn; hợp tác cùng các bên giải quyết vấn đề những người còn mất tin, mất tích trong chiến tranh.
Việt Nam sẵn sàng tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh phù hợp với khả năng và lợi ích của mình, trong đó có các cơ chế quốc phòng, an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc. Việt Nam ủng hộ việc mở rộng hợp tác giữa các cơ chế an ninh đa phương do ASEAN giữ vai trò trung tâm với các đối tác ngoài khu vực trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản và chuẩn mực của ASEAN.
Đấu tranh quốc phòng
Việt Nam tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của tất cả các nước theo quy định của luật pháp quốc tế; đồng thời, yêu cầu các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam.
Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế, và sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tự vệ khi chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc bị xâm phạm.
Việt Nam chủ trương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong đấu tranh quốc phòng, cả phi vũ trang và vũ trang; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa; không để nước ngoài lợi dụng, thỏa hiệp với nhau hoặc với các thế lực thù địch làm phương hại đến độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc; xử trí linh hoạt, hiệu quả từng tình huống.
Tích cực, chủ động ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong thời bình của quốc phòng Việt Nam nhằm thực hiện Chiến lược Quốc phòng tối ưu là bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc mà không cần phải tiến hành chiến tranh. Công cuộc phòng thủ đất nước được thực hiện dựa trên tổng thể các hoạt động chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa - xã hội và quân sự theo một chiến lược thống nhất nhằm loại trừ các nhân tố dẫn đến xung đột vũ trang và chiến tranh, đồng thời chuẩn bị chu đáo mọi mặt, đồng bộ từ thời bình; sẵn sàng đánh thắng các hình thái chiến tranh xâm lược.
Biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bảo vệ biên giới là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ tính uy nghiêm, biểu tượng quốc gia ở biên giới, cửa khẩu; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng thủ vững chắc khu vực biên giới.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên Biển Đông. Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình theo luật pháp quốc tế. Việt Nam tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, cùng với các nước ASEAN phấn đấu sớm đạt được COC với Trung Quốc; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Việt Nam và Campuchia tiếp tục nỗ lực đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên bộ và trên biển trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, triệt để tuân thủ các cam kết, theo luật pháp và thông lệ quốc tế, phản đối các hành động can thiệp, kích động gây chia rẽ quan hệ hai nước. Trong khi biên giới trên biển chưa được phân định, Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định về vùng nước lịch sử năm 1982, tăng cường hợp tác quản lý, bảo vệ và gìn giữ an ninh trật tự khu vực biên giới, trên đất liền và trên biển.
Là quốc gia biển, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến an ninh biển, bảo đảm cho vùng biển Việt Nam là vùng biển an toàn, thân thiện, được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ luật pháp quốc tế, hỗ trợ và bảo vệ các hoạt động tự do thương mại, hàng hải, hàng không quốc tế, lao động hòa bình trên biển.
Việt Nam phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng, sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để ngăn chặn các hành động chống phá, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng.
Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực nhằm đối phó với các thách thức an ninh chung. Phòng, chống, đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu là mục tiêu chiến lược quốc gia. Việt Nam có chính sách ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, giảm khí thải nhà kính và giảm bớt tác hại của hiện tượng nước biển dâng. Việt Nam ủng hộ các hoạt động của Ủy hội sông Mê Công, ủng hộ quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Công theo quy định của luật pháp quốc tế về các con sông đi qua nhiều nước.
Việt Nam kiên quyết lên án và chống lại hành động khủng bố, tài trợ và nuôi dưỡng khủng bố dưới mọi hình thức, đồng thời phản đối các hoạt động lợi dụng chống khủng bố để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, mở rộng hợp tác nhằm ngăn ngừa các hoạt động khủng bố và các hoạt động hỗ trợ khủng bố dưới mọi hình thức, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, Hiến pháp, pháp luật và điều kiện của Việt Nam.
(Trích: Bộ Quốc phòng: Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2019)