Bối cảnh giáo dục đại học đã phát triển đáng kể và sinh viên phải luôn nỗ lực để có thể theo kịp xu hướng của tương lai.
Chung tay với trí tuệ nhân tạo (AI)
Đã qua rồi cái thời sinh viên chỉ cần một tấm bằng để có được việc làm như mơ ước. Nhiều nguyên nhân đã tạo ra những thay đổi mang tính kiến tạo của giáo dục đại học và thị trường tuyển dụng. Ngày nay, sinh viên cần nhiều hơn một tấm bằng để nổi bật giữa đám đông. Họ phải tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để tồn tại và phát triển trong môi trường hiện tại.
Trí tuệ nhân tạo đóng vai trò lớn trong việc học trong tương lai. Ảnh: Internet
Với sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, khoảng cách về kỹ năng ngày càng mở rộng, đòi hỏi bạn phải hiểu rõ hơn các xu hướng sẽ thúc đẩy những mô hình việc làm trong tương lai.
Nhiều tổ chức quốc tế đã thích nghi với những phát triển này để duy trì việc cập nhật công nghệ mới nhất cho sinh viên. Họ bắt đầu trang bị cho sinh viên những kỹ năng, công nghệ và kinh nghiệm cần thiết để bắt kịp tương lai.
Mô-đun giảng dạy điển hình bắt đầu từ sự ra đời của mô hình học tập kết hợp. Mô hình này trở nên cần thiết khi các trường học và cơ sở đóng cửa để chống dịch. Đây là cách tiếp cận đang tạo ra cuộc cách mạng hóa đối với phương pháp học truyền thống khi kết hợp các tài nguyên trực tuyến để nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, nó không phải là xu hướng duy nhất định hình giáo dục đại học vốn đang trải qua nhiều thay đổi lớn.
Ngày nay, tiến bộ công nghệ đã giúp bộc lộ khía cạnh sáng tạo và tò mò của trí óc con người. AI là một trong những công cụ giúp tạo ra một lịch trình học tập được cá nhân hóa cho từng sinh viên.
Nó lấp đầy những khoảng trống do cách học truyền thống để lại bằng cách phổ biến tài liệu theo từng phần nhỏ có thể được tùy chỉnh để đáp ứng yêu cầu của từng sinh viên. Kể từ khi thông tin được AI tạo ra, mọi tài liệu luôn được cập nhật.
Tăng cường học trực tuyến
Kể từ năm 2020, học trực tuyến đã trở nên phổ biến. Học trực tuyến là một nhánh con của học tập kỹ thuật số và nó vượt ra ngoài các thiết lập lớp học thông thường. Học viên học trực tuyến không bị giới hạn bởi các yếu tố như thời gian, khoảng cách, địa điểm. Điều này cho phép sinh viên học bất cứ khi nào và bất cứ cách nào họ muốn.
Đa số sinh viên đã tiến bộ theo phương thức học tập này. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế đã và đang làm việc để giảm bớt tác động của tình trạng gián đoạn giáo dục đối với những người có hoàn cảnh khó khăn và không am hiểu về công nghệ.
Nhu cầu về các khóa học mở tăng lên
Khóa học trực tuyến mở (MOOC) là các khóa học ngắn hạn miễn phí mà đại chúng có thể truy cập từ bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào. Năm 2020 đã có hơn 180 triệu người học trực tuyến, tham gia 2.800 khóa học, theo đuổi 19 loại bằng cấp trực tuyến và 360 chứng chỉ. Các khóa học này cung cấp cho sinh viên một cách tuyệt vời để xây dựng kỹ năng cho họ.
Do sự tiện lợi của MOOC, việc học không chỉ giới hạn ở người có khả năng học lên cao. Đây là một lợi thế chính của các khóa học này ngoài các bài học trong thời gian ngắn, cho phép sinh viên học được nhiều hơn trong thời gian ngắn hơn.
Các khóa học mở tạo ra cơ hội học tập thuận lợi hơn cho nhiều người. Ảnh: Internet
Thu hẹp khoảng cách về kỹ năng
Giáo dục đại học giúp sinh viên xây dựng kỹ năng và cải thiện hồ sơ cho họ. Do vậy, nhiều trường đại học đang cung cấp các khóa thực tập để sinh viên có thể cải thiện hồ sơ của mình và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Bất chấp tất cả những nỗ lực này, khoảng cách về nhân tài vẫn tồn tại.
Cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra do đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng khoảng cách về kỹ năng, tạo ra sự cần thiết phải nâng cấp con người và kỹ năng kỹ thuật số một cách nhanh chóng. Do đó, điều quan trọng là các cơ sở giáo dục phải giúp sinh viên nâng cấp, sẵn sàng với thị trường và vượt qua cuộc cạnh tranh.
Trong khi giáo dục đại học không ngừng phát triển, các tổ chức sẽ phải nâng cấp để mang lại nhiều giá trị hơn. Với các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, thực tế tăng cường, việc học sẽ trở nên dễ tiếp cận với mọi người. Điều này cho phép sinh viên ở mọi lứa tuổi học theo tốc độ của riêng họ và tạo ra thời khóa biểu phù hợp nhất.
Mặc dù, những công cụ và công nghệ này rất tiện lợi nhưng có thể khó mang lại sự thay đổi này ở các nước đang phát triển, nơi việc học tập trực tiếp theo kiểu truyền thống có chi phí hợp lý hơn. Các tổ chức sẽ phải tạo ra các chiến lược để đảm bảo cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được cho dù điều kiện của họ ra sao./.
Theo Giáo dục và Thời đại, India Today