1. Niềm tin là một trạng thái tinh thần của con người, gắn với những hoạt động của con người trong thực tiễn: hoạt động sản xuất của cải vật chất, hoạt động chính trị và hoạt động cách mạng xã hội, hoạt động thực nghiệm khoa học. Niềm tin cũng có nhiều trạng thái và hình thức biểu hiện, nó có sự vận động và biến đổi theo quá trình hoạt động thực tiễn, cải tạo tự nhiên và cải biến xã hội của con người
Khi con người có những niềm tin tốt đẹp, cao cả định hướng cho hoạt động của mình thì con người sẽ xây dựng cuộc sống nhân văn, nhân bản. Khi mất niềm tin vào cuộc sống, con người sẽ mất phương hướng, thiếu động lực và dẫn đến hệ quả là làm rối loạn xã hội. Đối với con người, không có niềm tin, đặc biệt là niềm tin khoa học, con người sẽ sống và hoạt động không có định hướng, luôn bi quan, dao động và không phát huy được khả năng chủ động sáng tạo của mình. Niềm tin là một giá trị tinh thần vô hình, là sản phẩm của hoạt động của bộ não nhưng ở cấp độ của lý tính, nó tích tụ trong suốt quá trình con người hoạt động, con người tư duy, trải nghiệm trong các hoạt động thực tiễn, trong những tương tác xã hội mà con người đã thực hiện.
Niềm tin được hình thành một cách khoa học và có tính nhân văn, tiến bộ sẽ là những giá trị tích cực thúc đẩy hành động, suy nghĩ của con người. Là một nhân tố thuộc về thượng tầng kiến trúc và đời sống tinh thần xã hội của nhân loại, dân tộc, của một cộng đồng, hay một cá thể nên niềm tin vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính xã hội. Bản thân niềm tin có những đặc trưng riêng biệt và có mối quan hệ với nhiều lĩnh vực của đời sống. Niềm tin có những biểu hiện rất khác nhau giữa các cộng đồng, các cá thể trong một cộng đồng.
Niềm tin xã hội không phải là nhận thức, thái độ của từng cá nhân mà nó là thái độ, nhận thức của cả xã hội, là thái độ của cả cộng đồng xã hội trước các sự vật, hiện tượng thuộc về thế giới khách quan, đó là sự phản ánh của tồn tại xã hội, của những điều kiện hoàn cảnh nhất định trong đời sống xã hội đến nhận thức, thái độ của một cộng đồng người. Niềm tin xã hội của một cộng đồng người bị lung lay có thể dẫn đến nguy cơ làm ảnh hưởng và phá vỡ cấu trúc của tồn tại xã hội. Niềm tin xã hội là nhân tố bên trong của khát vọng phát triển, được củng cố và phát huy nó sẽ tạo ra động lực to lớn, thôi thúc cả cộng đồng xã hội hiện thực hóa niềm tin trên thực tế.
Niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa đã tạo nên sức mạnh giúp chúng ta đánh thắng những đế quốc hùng mạnh và ngày nay chúng ta đang tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Củng cố niềm tin xã hội vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mục tiêu chủ nghĩa xã hội là động lực quan trọng để thôi thúc toàn thể nhân dân Việt Nam hiện thực hóa nó trên thực tế.
2. Niềm tin xã hội vào vào khát vọng chủ nghĩa xã hội, mục tiêu chủ nghĩa xã hội có nền tảng là lý luận khoa học và cách mạng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong suốt quá trình cách mạng dưới sự dẫn dắt và lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, nhân dân dân đã có những trải nghiệm trong mối quan hệ giữa dân với Đảng, dân với Nhà nước và pháp luật, niềm tin xã hội vào Đảng, Nhà nước và mục tiêu CNXH ngày thêm sâu nặng.
Niềm tin xã hội vào khát vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội là tiền đề để Đảng ta tiến hành đổi mới. Niềm tin xã hội của nhân dân vào Đảng Cộng sản Việt Nam và mục tiêu chủ nghĩa xã hội là ở mục tiêu vì nhân dân của Đảng và qua quá trình lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Những đóng góp của người dân vào công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng cũng chính là cơ sở để người dân tiếp tục duy trì, bồi đắp niềm tin xã hội vào mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Đây chính là điểm căn bản nhất của niềm tin xã hội vào chủ nghĩa xã hội của cả Đảng với tư cách là người tổ chức, lãnh đạo nhân dân; nhân dân là người trực tiếp xây dựng xã hội của mình, cho mình. Do đó, niềm tin xã hội vào mục tiêu chủ nghĩa xã hội là sự cộng hưởng nỗ lực từ Đảng và quần chúng nhân dân, là khát vọng chung, cao cả của cả nhân dân và Đảng để cùng chung mục tiêu xây dựng và hiện thực hóa niềm tin chính trị về một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc và luôn giữ gìn, phát triển niềm tin đó qua mọi giai đoạn cách mạng.
Niềm tin vào sức mạnh của đoàn kết trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Niềm tin vào cội nguồn của người Việt đã tạo nên sức mạnh để ông cha ta chiến thắng mọi thế lực ngoại xâm. Niềm tin vào tương lai tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội đã làm nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đánh thắng những đế quốc hùng mạnh, là chất keo kết dính tình đoàn kết xã hội, niềm tin là tình cảm thiêng liêng gắn kết các quan hệ của cộng đồng người đang cùng hoạt động với nhau. Niềm tin tạo thành nhân tố cố kết cộng đồng người Việt Nam, chính là nền tảng tạo nên lòng nhân ái, đức khoan dung vốn có của người Việt.
Để duy trì được niềm tin xã hội vào khát vọng chủ nghĩa xã hội của người dân, bản thân Đảng phải luôn luôn phấn đấu, trưởng thành và đổi mới không ngừng. Quá trình duy trì niềm tin xã hội với khát vọng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi Đảng phải thường xuyên mở rộng dân chủ để thu nhận những đóng góp to lớn của quần chúng nhân dân, khuyến khích người dân tích cực, tự giác tham gia vào phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng./.
Hùng Anh