Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Năm 2016, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, gắn với chỉnh trang đồng ruộng, thành phố Tam Điệp đã khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho các hộ tích tụ ruộng đất. Từ đó, các HTX, các hộ dân đã từng bước chuyển đổi và thực hiện tốt quy trình canh tác đảm bảo đồng giống, đồng trà, thuận lợi cho việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, đồng thời đưa cơ giới vào sản xuất.
Đến nay, 100% diện tích được làm đất bằng máy; 80% diện tích được gieo cấy bằng phương pháp gieo sạ; 90% diện tích sử dụng máy gặt đập trong khâu thu hoạch, tạo cơ sở để năng suất lúa từng vụ được tăng lên. Năm 2019 năng suất bình quân vụ chiêm xuân tăng 3,62 tạ/ha và vụ mùa tăng 9,53 tạ/ha so với năm 2015.
Thành phố đã chuyển đổi hơn 46,8 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp nuôi cá và 427,7 ha diện tích cấy lúa mùa năng suất thấp sang sản xuất lúa tái sinh kết hợp nuôi cá vụ tại phường Tân Bình và xã Yên Sơn.
Một số địa phương đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu như nghệ, cà gai leo, tam thất... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3 lần so với trồng lúa. Phong trào chỉnh trang đồng ruộng đã tạo điều kiện giúp người nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Đến nay trên địa bàn thành phố có 52 trang trại, 112 gia trại sản xuất có hiệu quả. Các mô hình kinh tế có thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm không ngừng phát triển, nhân ra diện rộng, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Mô hình trồng tràm của HTX Dược liệu Đông Sơn, TP Tam Điệp. Ảnh: Báo Ninh Bình
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Tam Điệp đã ban hành Nghị quyết số 15 về lãnh đạo xây dựng thương hiệu sản phẩm đối với "Chè xanh Ba Trại" và "Đào phai Tam Điệp" gắn với phát triển du lịch và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm "Dứa Đồng Giao".
Đồng thời, vận động người dân đưa các giống cây có giá trị vào sản xuất, có liên kết với các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn. Từng bước mở rộng diện tích cây đào phai trở thành cây trồng chính của xã Đông Sơn.
Đến nay diện tích đào phai trên địa bàn thành phố là 175 ha, chất lượng và giá trị sản phẩm cây hoa đào phai ngày càng được nâng cao, nhiều hộ đã sản xuất theo hướng đào gốc, đào thế, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ dân, doanh thu từ cây đào phai năm 2017 đạt 9 tỷ đồng và năm 2020 đạt 15 tỷ đồng. Các hộ dân trồng chè xã Quang Sơn từng bước áp dụng sản xuất chè theo hướng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Tái cơ cấu ngành chăn nuôi
Cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ, tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, ngành Nông nghiệp thành phố Tam Điệp cũng xác định chăn nuôi là ngành sản xuất quan trọng. Do vậy, các địa phương đã chú trọng tái cơ cấu hình thức sản xuất.
Đến nay, chăn nuôi cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong thành phố và xuất bán sang các địa phương khác. Sản lượng thịt xuất chuồng của các loại gia súc, gia cầm tăng từ 5-10%/năm. Giá trị sản xuất chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp.
Các địa phương đã từng bước chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại bán công nghiệp và công nghiệp, đối tượng vật nuôi chủ yếu là lợn và gia cầm. Hiện nay, thành phố có 3 doanh nghiệp đăng ký xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn, 1 cơ sở chăn nuôi gia cầm đẻ trứng công nghệ cao và trên 50% hộ chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp.
Hình thức sản xuất nhỏ lẻ đã dần được thay thế bằng tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các HTX nuôi trồng cây, con đặc sản Đông Sơn, Tổ HTX chăn nuôi dê; chuỗi sản phẩm trứng gà của Công ty TNHH MTV Quang Trung quy mô 60.000 con mái đẻ.
Định hướng tái cơ cấu nộng nghiệp thời gian tới
Để tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thành phố Tam Điệp định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở phát huy các lợi thế của từng vùng, nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững theo yêu cầu của thị trường; phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thích ứng và khai thác những lợi thế mới từ biến đổi khí hậu của từng vùng, khu vực.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường. Khuyến khích tích tụ ruộng đất, tạo quỹ đất thu hút đầu tư của doanh nghiệp, sản xuất quy mô lớn với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, chuyển đổi diện tích đất có hiệu quả sử dụng thấp sang hình thức sản xuất có hiệu quả hơn, đảm bảo phù hợp với quy hoạch.
Tăng cường nguồn lực cho hoạt động khoa học và công nghệ, hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Tổ chức triển khai và xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của thành phố.
Xây dựng các mô hình điểm, trình diễn thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau, hoa, quả, nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn và đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như các doanh nghiệp đầu tư cho chế biến, tiêu thụ nông sản; đầu tư vào sản xuất giống cây trồng, con nuôi mới có hiệu quả kinh tế; liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu như dứa, ngô ngọt, dưa chuột bao tử, rau đậu xuất khẩu của các doanh nghiệp, các HTX. Có chính sách cụ thể cho liên kết "4 nhà" nhằm hỗ trợ kinh tế hộ phát triển./.
Theo Báo Ninh Bình