Nhiều chính sách đặc thù, hiệu quả
Ninh Bình nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, có 08 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 05 huyện miền núi và bán sơn địa với 61/143 xã thuộc ba khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tại địa phương, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS với hơn 29.400 người, chiếm 2,99% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là đồng bào Mường với trên 27.300 người; đồng bào Tày, Nùng, Thái, Dao... với trên 2.100 người, sinh sống chủ yếu ở 8 xã của huyện Nho Quan và xã Yên Sơn của thành phố Tam Điệp.
Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình 134, 135 của Chính phủ, đồng thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân DTTS, điển hình là Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020...
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS được tăng cường. Toàn tỉnh Ninh Bình có 1.106 đảng viên là người DTTS, trong đó có 853 đảng viên đang sinh hoạt tại 129 chi bộ thôn, bản tại 09 xã có đông đồng bào DTTS sống tập trung. Cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng chăm lo, thực hiện tốt chính sách cho già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tích cực tham gia vào công tác vận động quần chúng trên địa bàn.
Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS thường xuyên được coi trọng. Nhiệm kỳ 2016-2021, toàn tỉnh có 129 đại biểu HĐND các cấp là người dân tộc thiểu số (cấp tỉnh 01 người, cấp huyện 08 người, cấp xã 120 người); 190 cán bộ, 70 học sinh người DTTS được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; bố trí cán bộ mới tuyển dụng tăng cường cho các xã vùng DTTS.
Bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc tại Ninh Bình. Ảnh: Báo Ninh Bình
Tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) và con nuôi có giá trị kinh tế cao như ong, hươu, dê, gà thả vườn..., mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đồng bào DTTS luôn ở mức cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 10,98%/năm; thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2016-2020 đạt 30,5 triệu đồng/người/năm (gấp 4 lần so với năm 2003). Số hộ nghèo giảm mạnh, năm 2003 có 1.395 hộ, đến năm 2018 giảm còn 499 hộ (chiếm 6,14% tổng số hộ người DTTS); tuổi thọ bình quân tăng từ 68 tuổi (năm 2003) lên 74 tuổi (năm 2018).
Hệ thống cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS được quan tâm phát triển. Giai đoạn 2014-2019 đã huy động vốn đầu tư cho vùng dân tộc đạt 83,68 tỷ đồng (chủ yếu là nguồn vốn từ Chương trình 135 của Chính phủ), xây dựng mới, nâng cấp 103 công trình cơ sở hạ tầng. Đến nay, 100% các xã vùng đồng bào DTTS có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm đến các thôn, bản; 70% số xã, 75% số thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 70% số hộ được dùng nước sạch; 90% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh. Dịch vụ tài chính, ngân hàng được phát triển đến 100% các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống, hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin được đầu tư, đã phủ sóng điện thoại di động đến tất cả các xã, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Các chính sách về giáo dục, đào tạo, y tế được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học (100% phòng học được kiên cố hóa, 100% trẻ em trong độ tuổi ở cả 3 cấp học đều được đến trường; các xã Thạch Bình, Kỳ Phú, Phú Long-huyện Nho Quan, xã Yên Sơn-thành phố Tam Điệp đạt chuẩn quốc gia ở cả 3 cấp học). Mạng lưới y tế tuyến cơ sở vùng đồng bào DTTS được củng cố, mở rộng đến thôn, bản và ngày càng phát huy hiệu quả thực tế (80% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế có bác sĩ).
Để góp phần giúp đỡ các xã đặc thù khắc phục khó khăn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 140-QĐ/TU, ngày 01/3/2016 phân công 06 cơ quan phụ trách, 06 doanh nghiệp kết nghĩa với 6/9 xã đặc thù có đồng bào DTTS để phối hợp, giúp đỡ địa phương phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Công tác xây dựng các thiết chế văn hóa tiếp tục được quan tâm. Tập trung nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc. Đã thành lập các câu lạc bộ văn hóa tại 7/8 xã tại huyện Nho Quan có đông đồng bào DTTS sinh sống (Múa Sạp xã Yên Quang, Cồng chiêng xã Quảng Lạc, Hát Đúm xã Phú Long, Hát Giao duyên tiếng Mường xã Cúc Phương...). Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức, thu hút đông đảo đồng bào tham gia, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời củng cố tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bào DTTS chưa đạt mục tiêu đề ra, khoảng cách chênh lệch còn lớn so với vùng đồng bằng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng. Sản xuất nông nghiệp ở một số nơi còn manh mún, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống còn chậm; sản xuất công nghiệp chưa phát triển mạnh, sản phẩm còn hạn chế về chủng loại và sức cạnh tranh. Kết cấu hạ tầng mới chỉ phục vụ nhu cầu dân sinh thiết yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế thị trường.
Đội ngũ cán bộ vùng đồng bào DTTS còn thiếu và yếu, trình độ chuyên môn còn thấp, năng lực thực thi công vụ hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và xử lý các tình huống, vấn đề phát sinh ở cơ sở. Một số nơi chưa có cán bộ chủ chốt ở cấp cơ sở là người DTTS.
Văn hoá các DTTS có nguy cơ bị mai một, mất dần bản sắc; mức độ thụ hưởng văn hóa của người dân còn hạn chế. Trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp.
Một số giải pháp
Để tạo sự đột phá về kinh tế - xã hội vùng DTTS, tỉnh Ninh Bình cần ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần thống nhất quan điểm: xây dựng cộng đồng dân tộc theo nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ cùng phát triển; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội phát triển nhanh và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt công tác, chính sách dân tộc.
Người dân xã Thạch Bình, huyện Nho Quan tích cực đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác. Ảnh: Internet
Chú trọng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; tăng cường khuyến nông, khuyến lâm, đưa tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; thực hiện tốt chính sách dạy nghề; có chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng lao động địa phương, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho đồng bào DTTS.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách về giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vùng DTTS. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, giữ gìn, phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS.
Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý là người DTTS; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS gắn với phát huy những nhân tố tích cực, người có uy tín, già làng, trưởng bản.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào DTTS; vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không để bị kích động, lôi kéo vào các hoạt động phức tạp. Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng DTTS.
Những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách đối với đồng bào các DTTS tại tỉnh Ninh Bình góp phần củng cố thêm niềm tin của đồng bào các DTTS vào Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo đà cho sự phát triển chung của tỉnh./.
Đức Long