Câu hỏi: Thời gian qua ngành ngoại giao nước ta có những đóng góp quan trọng trên mặt trận đối ngoại của Việt Nam và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Xin cho biết cụ thể hơn về những đóng góp này.
Trả lời:
Thời gian qua, ngành ngoại giao Việt Nam thực sự là lực lượng xung kích trên mặt trận đối ngoại; đạt nhiều thành tựu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật, góp phần làm cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định.
Trước hết, ngành ngoại giao thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia-dân tộc, đã mở rộng và phát triển nhiều quan hệ đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả các nước thành viên ASEAN. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Ngành ngoại giao đã góp phần tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho công cuộc đổi mới đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia dân tộc.
Thứ hai, ngành ngoại giao đã tranh thủ môi trường quốc tế thuận lợi, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ngành ngoại giao đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước và trực tiếp tham gia xúc tiến để Việt Nam tham gia và có quan hệ tốt đẹp với nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế-phát triển hàng đầu như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy đàm phán và ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA “thế hệ mới”; phối hợp các cấp, các ngành mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút FDI, ODA, đặc biệt, xúc tiến thương mại, giải quyết các vấn đề xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm Việt Nam trong đại dịch covid-19,… Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.
Thứ ba, trong những năm qua, Việt Nam đã hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Diễn đàn kinh tế thế giới thế giới về ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa kỳ-Triều Tiên,… góp phần nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của nước ta.
Thứ tư, ngành ngoại giao góp phần quan trọng củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thứ năm, ngành ngoại giao Việt Nam đã hết sức nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, tính nhân văn của Đảng, Nhà nước ta trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy mạnh mẽ nguồn lực của kiều bào. Công tác bảo hộ công dân được triển khai đồng bộ, chu đáo, hiệu quả. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra đại dịch covid-19, đã tổ chức gần 800 chuyến bay đưa trên 200.000 công dân về nước an toàn.
Thứ sáu, chủ động tích cực triển khai ngoại giao y tế, ngoại giao vắc xin, tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế về vắc xin, thiết bị y tế, thuốc điều trị covid, góp phần quan trọng vào việc phòng, chống và thích ứng an toàn với dịch covid-19, góp phần thực hiện mục tiêu “kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ bảy, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, đã góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam đang đổi mới thành công trên trường quốc tế; vận động UNESCO công nhận nhiều di sản của đất nước là di sản văn hóa thế giới, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ tám, đối ngoại nhân dân thực sự đã phát huy vai trò là một kênh đối ngoại “tâm công”, lan tỏa hình ảnh một đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam chính nghĩa, đạo lý, nhân văn, yêu chuộng hòa bình, có tinh thần hữu nghị, đoàn kết, đắp xây hòa bình, ổn định và phát triển trên toàn thế giới; góp phần nâng cao vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần tích cực hỗ trợ công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời, nhất là trên Biển Đông.
Phát huy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia-dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới. Việt Nam luôn “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên định nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, linh hoạt, khôn khéo với sách lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”, trong đó, giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước là nhiệm vụ quan trọng.
Đại hội XIII đề ra chủ trương “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân” luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước; tin tưởng là, đường lối đối ngoại được khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng đã kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng ta thời kỳ đổi mới, phù hợp với bối cảnh mới, tầm nhìn mới nên sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, và toàn dân góp phần phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Phương Dung
(Theo: “Đối ngoại góp phần phát triển kinh tế và xây dựng đất nước”, baotintuc.vn)