Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Phiên cấp cao Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF). (Ảnh: VNEconomy).
Ngày 21/2, phát biểu tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF), khai mạc cùng ngày tại Hà Nội, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), Giám đốc khu vực của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Chủ tịch VBF, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Năm 2022 là thời điểm thử thách cả Chính phủ và doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Cùng với việc khẳng định Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò, những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cũng thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, Thủ tướng cũng nêu rõ ý nghĩa hết sức quan trọng của năm 2022 đối với Việt Nam, năm tạo đà để thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược đến năm 2030 mà Đại hội XIII của Đảng đã định ra; đồng thời nhấn mạnh ưu tiên của Chính phủ trong việc tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, gắn với Chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, ổn định nguồn nhiên liệu và nguyên liệu; bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới; trọng tâm là ưu tiên các biện pháp bảo đảm an toàn trước dịch bệnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc đối với cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng, nhân lực, hạ tầng, bảo đảm logistics…; đặc biệt là phát triển thị trường các nhân tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường đất đai, thị trường tài nguyên, thị trường khoa học công nghệ và trí tuệ theo hướng thị trường hơn, cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn; đồng thời tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đầu tư vào công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp thông minh…; bảo vệ môi trường, khuyến khích năng lượng tái tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội; dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời cũng tận dụng cơ hội từ các hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký để phát triển kinh tế - xã hội.
Doanh nghiệp cả trong và ngoài nước hoạt động ở Việt Nam luôn muốn biết Chính phủ có những chủ trương, chính sách và giải pháp gì theo tinh thần kiến tạo để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho họ, để ở chiều ngược lại, bằng kết quả sản xuất, kinh doanh, họ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Về phía mình, Chính phủ cũng muốn biết doanh nghiệp cần gì từ Nhà nước.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên chính là một trong những kênh đối thoại cấp cao thích hợp và hiệu quả giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ tại diễn đàn này đã đáp ứng trúng yêu cầu của doanh nghiệp nói chung và những người tham dự nói riêng.
Thủ tướng không chỉ nói mà còn nghe – nghe và thấu hiểu.
Ông đã lắng nghe tất cả các ý kiến và đề xuất của đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các thiết chế tài chính quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các chuyên gia, các nhà khoa học nêu tại Diễn đàn; đồng thời giao các bộ, ngành, đơn vị liên quan tổng hợp các ý kiến đóng góp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phân công các bộ, ngành nghiên cứu, xử lý và tham mưu hoàn thiện về thể chế, chính sách, pháp luật; đặc biệt là hướng dẫn và giám sát khâu thực thi chính sách ở các cấp.
Vậy là Thủ tướng và đại diện các bộ, ngành của cơ quan hành pháp - những người hoạch định chính sách và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô, và đại diện cộng đồng doanh nghiệp - những người trực tiếp thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong môi trường pháp lý và chính sách của Nhà nước Việt Nam, đã lắng nghe và thấu hiểu nhau theo tinh thần cùng sẻ chia trách nhiệm, cùng vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân và của doanh nghiệp mà trước mắt là vì mục tiêu chung: Thực hiện có hiệu quả và an toàn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự trở thành nơi các mạch tư duy kinh tế “hợp lưu”, theo hướng thuận dòng./.