Dự kiến thứ 3 tuần sau (ngày 14/2), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ - CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
"Quả bóng" được đẩy qua lại
Được biết, đây là Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức công khai, dù Bộ Công Thương đã có dự thảo tờ trình lần thứ 2 gửi Thủ tướng với nhiều đề xuất mới về quản lý kinh doanh xăng dầu. Theo đó, để bảo vệ quyền và lợi ích, nhiều doanh nghiệp xăng dầu cho biết sẽ trực tiếp tham dự để đóng góp ý kiến, sức nóng có thể nói là chưa từng có khi lấy ý kiến cho việc sửa đổi một Nghị định.
Thực tế, chưa bàn tới những vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền lợi doanh nghiệp, ngay việc cơ quan nào sẽ là đầu mối quản lý điều hành trực tiếp giá xăng dầu cũng gây xôn xao dư luận bởi sự “đẩy qua, đẩy lại” giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thời gian qua.
Tại dự thảo lần 2 Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương bất ngờ đổi ý muốn lại được điều hành giá xăng dầu, dù gần 1 tháng trước đó cơ quan này đề xuất để cho Bộ Tài chính quản lý. Ngay sau đó, Bộ Tài chính lại thẳng thừng từ chối việc tiếp tục cùng Bộ Công Thương quản lý thị trường xăng dầu.
Sự đẩy qua đẩy lại giữa hai Bộ khiến nhiều người khó hiểu và hoang mang, phản ánh tính “dị biệt” của thị trường ngay ở khâu điều hành.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, trong điều kiện hiện nay, Bộ Công Thương quản lý thị trường xăng dầu là hợp lý nhất bởi cơ quan này đã quản lý toàn bộ từ tổng nguồn, kênh phân phối, cấp phép và đặc biệt là quản lý doanh nghiệp lọc dầu, kinh doanh và phân phối xăng dầu… có thể nói quản 80% khâu kinh doanh và thị trường xăng dầu.
Trong khi đó, Bộ Tài chính chỉ đơn thuần tham gia vào việc xây dựng, giám sát giá. Về quy định, các lĩnh vực khác, Bộ Tài chính cũng quản lý giá, nhưng xăng dầu là lĩnh vực rất lớn, biến động liên tục đòi hỏi một bộ máy hoạt động nhanh gọn lẹ. "Thời gian qua, chúng ta đã thấy phát sinh độ trễ chính sách, một số khâu, giai đoạn xây dựng giá chưa theo kịp thị trường, khiến cho doanh nghiệp chịu trận", ông Thịnh dẫn chứng.
Ông Thịnh cho rằng, quan điểm một bộ thống nhất quản lý giá xăng được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đưa ra và nhận được nhiều tán đồng của đại biểu quốc hội, chuyên gia. Sau đó Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương, nguyên tắc giao cho Bộ Công Thương “nghiên cứu” soạn thảo để tiếp thu ý kiến, sửa đổi chính sách. "Tuy nhiên, không hiểu sao, Bộ Công Thương lại quay trở lại với quan điểm ban đầu đã được nhất trí “nghiên cứu”, đưa vào lấy ý kiến", vị chuyên gia bày tỏ.
Sửa thế nào cho hài hòa lợi ích
Câu chuyện Bộ nào sẽ là đơn vị trực tiếp điều hành giá xăng dầu cũng chỉ là một phần trong rất nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng doanh nghiệp liên quan tới việc sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu ở trên. Trong đó liên quan tới các nội dung như phương thức điều hành giá, chiết khấu tối thiểu trong bán lẻ xăng dầu, quy định nguồn nhập hàng của các đại lý bán lẻ xăng dầu, đầu mối điều hành giá xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá...
Gần đây, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết đã gửi đơn “kêu cứu” tới Thủ tướng Chính phủ phản ánh các quy định trong Nghị định 83, 95 về kinh doanh xăng dầu không công bằng, đẩy các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu buộc phải giải thể, phá sản.
Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ bày tỏ mong muốn phải được lấy hàng ở ít nhất là 03 nơi để không bị chèn ép và không phải đóng cửa hàng khi nhà cung cấp duy nhất không giao hàng. Đồng thời, quy định về chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ phải được ghi nhận vào công thức tính giá cơ sở.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ cũng cho rằng cần quy định chiết khấu tối thiểu là 5-6%/giá bán lẻ tại thời điểm bán ra để đảm bảo doanh nghiệp bán lẻ hoạt động bình thường và xuyên suốt, kể cả lễ và Tết để phục vụ cho người dân và phát triển kinh tế.
Với các thương nhân phân phối, đại diện một doanh nghiệp kiến nghị việc Bộ Công Thương quy định chỉ được lấy hàng từ 3 đầu mối sẽ khiến họ rất khó khăn, nếu những đầu mối này đều không có hàng hoặc liên kết để ép giá thương nhân phân phối. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương tiếp tục để cho các thương nhân phân phối được lấy hàng từ nhiều nguồn.
Trong văn bản góp ý mới đây, VCCI cho rằng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ phương thức quản lý giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh biến động trên thế giới.
Bộ Công Thương đưa ra hai phương thức điều hành giá trong thời gian tới. Phương án 1 là nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu và sửa đổi công thức tính giá để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở. Công thức tính giá cụ thể sẽ do Bộ Tài chính đề xuất.
Phương án 2 là Nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung cầu của thị trường quyết định. Bộ Công Thương ưu tiên lựa chọn phương án 1.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng Bộ Công Thương nên cân nhắc lựa chọn phương án 2. Trong trường hợp lần sửa đổi này tạm thời lựa chọn phương án 1 thì cần có lộ trình sớm để sửa đổi theo phương án 2. Nếu cơ chế quản lý giá này kéo dài thì an ninh năng lượng luôn bấp bênh và hạ tầng năng lượng sẽ không được đầu tư, phát triển, nhanh chóng xuống cấp.
Đồng thời, trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý. Thêm vào đó, VCCI cũng cho rằng cần thiết kế lại thị trường xăng dầu theo hướng giảm các tầng nấc trung gian. Có thể cân nhắc phương án quản lý theo các công đoạn của kinh doanh xăng dầu gồm: Sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ và các dịch vụ hỗ trợ.
Rõ ràng với rất nhiều kiến nghị trên thì có lẽ ngay cả khi tổ chức một hội nghị cũng chưa đủ để các nhóm doanh nghiệp nêu ý kiến. Điều này đòi hỏi vai trò điều phối, công tâm của cơ quan soạn thảo Nghị định sửa đổi - trực tiếp là Bộ Công Thương trong việc quản lý, điều hành thị trường xăng dầu trong thời gian tới.
Theo VNBusiness