Được xem là mặt trận hàng đầu trong phát triển kinh tế của tỉnh, là nền tảng để thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ, những năm gần đây, bức tranh kinh tế nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long đã có thêm nhiều điểm sáng. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Tiềm năng phát triển ngành lúa gạo chất lượng cao
Nói về thế mạnh và xu hướng dịch chuyển trong sản xuất lúa ở Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV chia sẻ: Vĩnh Long cũng có nhiều tiềm năng để phát triển lúa gạo chất lượng cao, nhất là lúa sản xuất theo quy trình Orangnic, hữu cơ,…
Là một trong những mô hình trồng lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị và định hình thương hiệu gạo hữu cơ đạt hiệu quả cao, Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (Vũng Liêm), đã sáng tạo, đột phá mô hình tích tụ, tập trung đất sản xuất lúa.Theo đó, tùy vùng đất mà cơ cấu sản xuất phù hợp, như: Vùng lúa 3 vụ để cung cấp gạo cho tiêu dùng, làm bánh, làm bún, tinh bột. Vùng lúa 2 vụ, có thể cung cấp xuất khẩu ở thị trường phân khúc trung cấp như: Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Trung Đông. Vùng làm 1 vụ sản xuất lúa chất lượng cao, để xuất khẩu các thị trường cao cấp như: Mỹ, EU…
Để định hướng phát triển lúa gạo gắn với chế biến và tiêu thụ, những năm qua, tỉnh cũng đã có chủ trương chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng.Mô hình này đã tạo ảnh hưởng tích cực trong việc bảo vệ môi trường, thu hút, giải quyết việc làm cho lao động, tạo điều kiện mở rộng liên kết với nông dân. Ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc hợp tác xã, cho biết: “Hợp tác xã luôn chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, xem đây là yếu tố cạnh tranh chính”.
Trong đó, chú trọng cơ cấu giống lúa, từng bước thay đổi phương thức canh tác, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, sản lượng.
Các hoạt động hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ được chú trọng, góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Trong “Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025”, nhiệm vụ đến năm 2025, Vĩnh Long tập trung cơ cấu lại mùa vụ theo hướng khuyến khích sử dụng linh hoạt diện tích sản xuất lúa, tăng diện tích trồng màu, cây ăn trái...
Dự kiến ổn định diện tích gieo trồng lúa đến năm 2025 giảm còn 140.000- 150.000ha; phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái theo nhu cầu thị trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp.
Giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng bình quân 2- 2,5 %/năm; đến năm 2025 giá trị thu hoạch đất trồng trọt đạt 270 triệu đồng/ha/năm.
Nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong năm qua, sản xuất nông nghiệp- thủy sản khá ổn định, tiếp tục là nền tảng, trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội trong điều kiện sản xuất công nghiệp và thương mại chịu tác động, suy giảm sâu do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Qua đó, đảm bảo nguồn cung lương thực, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, năm 2021, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,36%; khu vực dịch vụ giảm 3,51%; thì khu vực nông- lâm- thủy sản tăng 1,76%.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn Văn Liêm, cho rằng: Có thể thấy vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên rất cấp thiết. Nhất là, các sản phẩm nông sản nhỏ lẻ, phân tán rất khó tiêu thụ. Do vậy, nông dân buộc phải thực hiện liên kết sản xuất để các doanh nghiệp kết nối một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất trong tiêu thụ nông sản.Dù vậy, dịch COVID-19 bùng phát đã bộc lộ một số hạn chế của ngành nông nghiệp. Trước hết, đó là vấn đề tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất nhỏ lẻ khó đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra: Tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế “nông nghiệp; công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ”.
Tỉnh sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng hiệu quả, bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các hoạt động tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; xây dựng chương trình hỗ trợ, phát triển nhóm sản phẩm nông sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm khẳng định: Nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu trong phát triển kinh tế của tỉnh. Thời gian tới, Vĩnh Long sẽ chú trọng chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đa dạng, theo yêu cầu của thị trường, từ phát triển theo số lượng sang chất lượng để có hiệu quả cao hơn.
Song song đó, thực hiện cầu nối giao thương, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thu mua tiêu thụ hàng hóa nông sản, mở rộng chuỗi sản xuất và tiêu thụ, lấy nông dân là trung tâm trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ.
Hệ thống hạ tầng về thủy lợi, giao thông tại Vĩnh Long từng bước được đầu tư đồng bộ, khép kín. Từ đó, đảm bảo tưới tiêu cho trên 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hiện, 100% tuyến đường giao thông liên ấp thông suốt, thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng nông sản. Vĩnh Long có diện tích đất trồng lúa trên 50.000ha. Hiện nay, nông dân sử dụng giống chất lượng cao trên 70% tổng diện tích. Năm 2021, năng suất bình quân đạt 6,313 tấn/ha, tăng 0,533 tấn/ha so năm 2012. |
Theo VLO