Cấu trúc hệ sinh thái nông nghiệp
Hệ sinh thái nông nghiệp (HSTNN) bao gồm các thành phần: hóa học (chất lượng đất, nước, không khí…); vật lý (các yếu tố thời tiết, khí hậu, bức xạ mặt trời…); sinh học (thành phần và cấu trúc các loài) và chịu tác động của con người. Các thành phần trong hệ sinh thái tác động qua lại nhau rất phức tạp với sự hiện diện của hàng trăm, ngàn yếu tố.
Một đặc tính quan trọng của hệ sinh thái tự nhiên là tính động lực của nó: có nghĩa là, chúng thường dao động xung quanh một điểm cân bằng. Tuy nhiên, trong HSTNN, tác động của con người – ví dụ như làm suy giảm đa dạng sinh học ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn và mạng lưới thức ăn - đã làm sự dao động tăng lên và tạo ra nhiều rủi do hơn. Để hạn chế các rủi do này, người dân buộc phải đầu tư nhiều hơn nữa (phân bón & thuốc bảo vệ thực vật...) – đây chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả mà chúng ta đang phải đối mặt: thu nhập của nông dân giảm sút (do đòi hỏi đầu tư tăng), an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… Thực tế cho thấy, khi môi trường đã bị ô nhiễm, không chỉ chi phí đầu tư tăng, mà sản lượng cây trồng thậm chí sụt giảm.
Nhà kính tại Đà Lạt, phá vỡ cảnh quan và thay đổi hệ sinh thái ở nơi này. Nguồn: Zing.
Bốn thuộc tính của nông nghiệp bền vững
Các nhà khoa học đã xác định 17 dịch vụ sinh thái của hệ sinh thái tự nhiên cung cấp cho con người, trong đó 3 dịch vụ sinh thái đặc trưng của hệ sinh thái nông nghiệp, gồm: sự thụ phấn, kiểm soát sinh học, và sản xuất lương thực.
HSTNN gồm 4 thuộc tính chính: Sức sản xuất; Tính ổn định; Tính bền vững; và Sự công bằng. Sức sản xuất là lượng sinh khối tạo ra/đơn vị diện tích & thời gian. Tính ổn định là mức độ ở đó sức sản xuất được duy trì trong điều kiện những rối loạn nhỏ do các yếu tố môi trường gây lên. Tính bền vững là thuộc tính chi phối đến sức sản xuất của hệ thống trong điều kiện những rối loạn lớn hơn. Sự công bằng đơn giản là sự phân chia thành phẩm cho các cá nhân trong hệ thống. Sau này, khái niệm “nông nghiệp bền vững” là bao gồm tất cả 4 thuộc tính này.
Các chính sách phát triển nông nghiệp bền vững phải dựa trên cơ sở 4 thuộc tính chính này. Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta hầu hết chỉ chú trọng đến thuộc tính thứ nhất – Sức sản xuất (năng suất thu hoạch) trong suốt thời gian qua.
Sự tàn phá các dịch vụ sinh thái đã đẩy chúng ta vào tình thế đối mặt với ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, và những căng thẳng về an toàn vệ sinh thực phẩm trong suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, thay vì tìm cách sửa chữa và phục hồi lại các dịch vụ sinh thái này qua những điều tiết vĩ mô và vi mô, Việt Nam dường như đang lựa chọn con đường khác: đó là tăng cường kiểm soát của con người với HSTNN thông qua đầu tư lớn – nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).
Bản chất của NNCNC là tạo môi trường sản xuất nông nghiệp tách biệt hơn và được kiểm soát nhiều hơn như nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiêu, dinh dưỡng, hệ thống điều khiển tự động…. Bởi vậy, nếu áp dụng NNCNC đồng loạt ở qui mô lớn sẽ khiến các dịch vụ sinh thái sẽ tiếp tục bị tổn thương hơn nữa: Ví dụ: dòng chảy, khả năng cho thấm nước của đất, thụ phấn tự nhiên, phong hóa và hình thành đất, tái tạo dinh dưỡng đất… đặc biệt là đa dạng sinh học – yếu tố chi phối sống còn đến sự bền vững của chuỗi thức ăn và mạng lưới thức ăn trong tự nhiên – chi phối trực tiếp đến việc thực hiện chức năng của hệ sinh thái và phúc lợi của con người.
Về lâu dài, sức sản xuất của hệ sinh thái nông nghiệp và chất lượng nông sản bị chi phối và quyết định bởi các dịch vụ sinh thái hỗ trợ như chất lượng đất, nước, và đa dạng sinh học… chứ không phải là các thiết bị công nghệ cao (nhà lưới, phân bón tổng hợp, thuốc BVTV, hệ thống tưới đắt tiền…). Bởi vậy, trong điều kiện biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên rộng khắp, và áp lực dân số như hiện nay, việc bảo vệ các nguồn tài nguyên nông nghiệp phải được xem là ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu phát triển quốc gia, đặc biệt với nền tảng khoa học kỹ thuật và dịch vụ còn thấp như Việt Nam.
Do đó, nông nghiệp sinh thái – chứ không phải chỉ tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao - phải được xem là một lựa chọn thay đổi cho nền nông nghiệp thâm canh hóa học hiện nay. Nông nghiệp sinh thái nhằm tăng cường năng lực sáng tạo của người dân trong các chiến lược thích ứng của họ nhằm thu được thành quả sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất trên đồng vốn đầu tư, bền vững (bảo vệ được các dịch vụ sinh thái), cũng như đảm bảo chất lượng nông sản, và sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng nói chung.
Theo Khoa học và Phát triển