Vẫn nhỏ lẻ, manh mún là chính
Ứng Hòa là huyện nghèo nhưng hiện nay có 11 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó riêng xã Trầm Lộng có 2 mô hình nuôi cá “sông trong ao”. Một số nông dân nuôi cá quy mô lớn nhưng không phải đầu tắt mặt tối, suốt ngày ướt lướt thướt, nước bùn toàn thân như xưa bởi dù ở đâu vẫn có thể kiểm tra được ao qua camera giám sát, ra lệnh cho máy bơm, máy cho ăn nhờ điện thoại di động. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường họ đều được cảnh báo.
Tại hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh” tổ chức ngày 3/11, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, toàn thành phố đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Công nghệ, thiết bị thông minh mà bà con lựa chọn ứng dụng chủ yếu là trong khâu quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng, thậm chí còn cả chăm sóc cho vật nuôi, cây trồng.
Cụ thể, Hà Nội đã có những cơ sở xây dựng nhà lưới tự động hóa trong điều khiển tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng cùng với hệ thống giám sát có thể phân tích thời tiết, dự báo sâu bệnh, dịch hại như ở HTX rau sạch Chúc Sơn của huyện Chương Mỹ. Các ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, canh tác không dùng đất mà trên giá thể, dịch nuôi trồng, nuôi cấy mô, sử dụng máy bay điều khiển từ xa để phun thuốc, bón phân giúp đáp ứng cho nhu cầu phòng chống dịch kịp thời cũng như hạn chế ảnh hưởng với sức khỏe của nông dân…
Với lĩnh vực chăn nuôi áp dụng hình thức chuồng kín có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm, lọc không khí, phòng chống dịch xâm nhập, hệ thống cho ăn tự động, uống nước tự động, thụ tinh nhân tạo cho cả gia súc lẫn gia cầm như gà, tinh phân ly giới tính theo ý muốn, xử lý môi trường bằng công nghệ cao, thân thiện môi trường như biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học... Với lĩnh vực thủy sản đã ứng dụng công nghệ “sông trong ao”, sử dụng chế phẩm sinh học, nhiều khâu điều khiển từ xa các máy tạo oxy, cho ăn tự động, công nghệ biofloc…
Chăn nuôi công nghệ khép kín, tuần hoàn. Ảnh: Nông nghiệp
Về mặt không gian, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh ở Hà Nội có mặt rải rác ở hầu khắp các quận, huyện còn nông nghiệp nhưng tập trung nhiều tại các huyện như Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa... Thời gian gần đây, chúng phát triển khá nhanh, tương đối đồng bộ tại các trang trại, nhà vườn nuôi trồng hoa lan, nuôi cấy mô và lan VAR, bước đầu cho hiệu quả kinh tế...
Tuy thế, thành thực mà nói số lượng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh của Hà Nội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của Thủ đô. Khách quan là do tình trạng ruộng đồng manh mún, năng lực sản xuất của hộ nông dân còn yếu, phần lớn còn theo cách làm truyền thống, lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro nên sợ đầu tư cho ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao với số vốn lớn, với kỹ năng sử dụng phức tạp.
Chủ quan là do chính sách của thành phố chưa có những đột phá trong việc tạo nền tảng cho công nghệ cao, công nghệ thông minh cũng như chưa có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người nông dân, các HTX, doanh nghiệp để áp dụng chúng.
Trong bối cảnh, dịch bệnh Covid-19 của cả nước nói chung cũng như Hà Nội nói riêng còn nhiều diễn biến hết sức phức tạp, chuỗi sản xuất, vận chuyển, cung ứng nông sản nhiều nơi bị phá vỡ nhưng ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn vượt qua khó khăn và đạt được mức tăng trưởng rất đáng khích lệ, quý I tăng 2,51%, quý II tăng 3,09% và quý III tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó ngành nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn ổn định an sinh xã hội ở nông thôn, là “trụ đỡ” cho nền kinh tế của Thủ đô.
Lối đi nào cho Hà Nội?
Mới đây Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 04-CTr/TU về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện kinh tế - xã hội để phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao trong đó lợi thế lớn nhất là thị trường lớn gần 10 triệu dân và trên địa bàn có nhiều viện nghiên cứu đầu ngành, doanh nghiệp có tiềm lực. TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh là vấn đề mà Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung cần quan tâm, đẩy mạnh.
Công tác khuyến nông ngoài đào tạo kiểu truyền thống trên ruộng đồng nên tập trung vào đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ trang trại cũng như các hộ gia đình. Tiềm năng là có nhiều, cơ hội cũng không ít tuy nhiên để Hà Nội có thể biến những thứ đó thành sản xuất trong thực tế thì cũng còn không ít thách thức, khó khăn.
Bởi nông nghiệp đô thị thông minh vẫn đang thiếu các nghiên cứu về các mô hình quản trị số; cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn chưa được tập trung, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ; khả năng cung cấp ứng dụng công nghệ cho nông nghiệp thông minh ở trong nước còn hạn chế, nếu có cũng chỉ là những thử nghiệm trên quy mô nhỏ với thời gian ngắn.
Mô hình công nghệ cao sẽ tạo ra giá trị gia tăng trên cùng đơn vị diện tích. Ảnh: Nông nghiệp
Song song với đó nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Khả năng xã hội hóa vấn đề nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh vẫn còn hạn chế bởi đầu tư vào đây lắm rủi ro, lợi nhuận thấp, thu hồi vốn lâu và vấn nạn “thực phẩm bẩn” vẫn còn trà trộn với “thực phẩm sạch” mà các chế tài, công cụ để phòng chống còn nhiều lỏng lẻo.
Bởi vậy Hà Nội cần tiếp tục có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công nghệ tự động hoá phù hợp với quy mô sản xuất của hộ nông dân nhỏ, gắn với nền tảng truy xuất nguồn gốc, làm thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Thêm vào đó là mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp thu các công nghệ mới của thế giới nhằm tiết kiệm thời gian, tăng năng chất lượng, năng suất lao động, gia tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích.
Phát triển nông nghiệp đô thị dựa trên nghiên cứu về thị trường thành phố và các nhu cầu của cư dân. Quy hoạch đất nông nghiệp ổn định và lâu dài không bị các quy hoạch khác chèn lấn, tạo không gian cho nông nghiệp trong đô thị cụ thể tới từng tiểu vùng ở khu vực nội đô, khu vực mới phát triển, khu vực ven đô, khu vực đô thị vệ tinh. Kết hợp giữa nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh với nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái để đa dạng hóa nguồn thu, tăng công ăn việc làm cho người nông dân, thay vì sản xuất thuần nông kiểu truyền thống.
Xác định đến năm 2025, Hà Nội có tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 70%; tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị và phát triển bền vững…/.
Theo Nông nghiệp