Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố nhất là khu vực phía Nam, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường. Từ những giao dịch thành công qua TMĐT sẽ từng bước đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thông tin từ Sở TT&TT tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện tại hơn 200 sản phẩm nông sản Hưng Yên đã lên sàn TMĐT, trong đó có 55 sản phẩm OCOP và hiện các nhà vườn cũng đang tìm các phương thức kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, Hưng Yên đang gặp một số khó khăn, vướng mắc khi thói quen của bà con nông dân chủ yếu vẫn là buôn bán qua thương lái, kỹ năng bán hàng qua các sàn TMĐT còn hạn chế. Do đó, các sàn TMĐT cần bố trí lực lượng hỗ trợ tại chỗ để hướng dẫn bà con nông dân các kỹ năng như đăng ký tài khoản, đưa các sản phẩm lên sàn.
“Các sàn TMĐT cần phối hợp với các Sở, ngành trong hoạt động đào tạo kỹ năng, hướng dẫn bà con cách thức bán hàng và quảng bá sản phẩm đến người dân trong nước và cả nước ngoài thông qua môi trường số. Trong đó, lên danh sách các hộ, HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn tiêu thụ, khảo sát đặc tính sản phẩm của địa phương, từ đó thống nhất các phương án đóng gói, lưu thông hàng hóa”, vị này đề xuất.
Là 1 trong những tỉnh đầu tiên triển khai Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên Sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đến nay Lạng Sơn đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn cho biết, nhiều hộ gia đình đã tiên phong trong việc mở rộng kinh doanh trên nền tảng số.
“Tính đến ngày 10/8 Lạng Sơn đã tạo được 4.445 gian hàng với 2.971ví điện tử và tài khoản thanh toán điện tử. Thông qua các sàn TMĐT đã tiếp nhận 2.759 đơn hàng với 3.500 loại sản phẩm đưa tổng doanh thu đạt gần 518 triệu đồng. Các sàn TMĐT cần nâng cấp công nghệ để phù hợp hơn với tình hình thực tế tại tỉnh trong phát triển các cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử và chú ý đến việc xây dựng thương hiệu cho từng hộ gia đình”, ông Nguyễn Khắc Lịch mong muốn.
Thực tế hiện nay, việc hỗ trợ các hộ nông dân được trang bị những kĩ năng mới trong kinh doanh trực tuyến thời gian qua còn gặp khá nhiều rào cản khi kiến thức, kỹ năng của nông dân về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế nên mất nhiều thời gian nghiên cứu, cập nhật kiến thức sao cho hấp dẫn người mua.
Do vậy, đại diện nhiều sàn TMĐT đề nghị, ngoài sự hỗ trợ từ phía các cơ quan Trung ương, các sàn TMĐT, chính quyền các địa phương cần trực tiếp, sát sao hơn nữa, đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX và người nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản.
Với kinh nghiệm làm chuyển đổi số và chuyển giao công nghệ cho nông nghiệp, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sendo mong muốn các HTX, các cơ sở sản xuất sẽ sẵn sàng hợp tác với sàn trong các hoạt động hậu cần và cả hoạt động truyền thông cho nông sản trên sàn TMĐT.
“Các HTX và bà con nông dân cần có một tư duy đổi mới để có thể tận dụng được hết mức các lợi ích của TMĐT. Kinh doanh qua sàn TMĐT thì không nên chỉ dừng lại ở thu hoạch và bán mà nên có sự đầu tư và khâu đóng gói, hậu cần, vận chuyển hay làm hình ảnh quảng bá mà cần áp dụng những quy trình mới này để cải tiến cách làm và phát triển kinh doanh”, ông Dũng khuyến nghị.
Với vai trò đầu mối của Bộ Công Thương về quản lý và phát triển TMĐT, thời gian qua Cục TMĐT và Kinh tế số đã kết nối và tổ chức cùng với các sàn TMĐT hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ phân phối sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản địa phương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chất lượng tốt ở các tỉnh, thành phố.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, khi tham gia vào “Gian hàng Việt trực tuyến", doanh nghiệp và người dân sẽ được các chuyên gia TMĐT “cầm tay chỉ việc", tư vấn hoàn toàn miễn phí từng bước từ khâu đăng ký gian hàng, xử lý hình ảnh, đăng bán, đóng gói, giao hàng, các kĩ thuật hỗ trợ bán hàng hiện đại…
Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt tham gia phân phối trên “Gian hàng Việt trực tuyến” còn được hỗ trợ truyền thông quảng bá sản phẩm, được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt từ các sàn TMĐT, được hỗ trợ chi phí chuyển phát, và hỗ trợ các giải pháp tài chính từ các đối tác của chương trình.
“TMĐT là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi công nghệ tiên tiến của nền cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của các chương trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu”, bà Huyền khẳng định./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN