Những nông sản được hưởng lợi
Trong ngắn hạn thì cơ hội vẫn thuộc về những nông sản có thế mạnh lâu năm của Việt Nam đã thâm nhập được thị trường này như: thủy hải sản, cà phê, hạt điều và đồ gỗ (tổng kim ngạch xuất khẩu của 04 nhóm mặt hàng này đạt 3,35 tỷ USD). Trong đó thuế suất các mặt hàng cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau củ tươi và chế biến… đã được đưa về 0% kể từ khi EVFTA có hiệu lực ngày 01/8/2020.
Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU, điều này là một thế mạnh cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt ngành hàng trái cây như bưởi, xoài, dừa, vải của Việt Nam sẽ có bước phát triển mới khi tiếp cận thị trường này.
Quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU về rau, quả tươi (chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu) chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Việc tận dụng cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu chắc chắn sẽ thúc đẩy gia tăng sản lượng nông sản Việt Nam sang EU khoảng 15-20%/năm và có thể đạt 25% nếu tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên toàn cầu trong năm 2020.
Trong ngắn hạn thì cơ hội xuất khẩu sang EU vẫn thuộc về những nông sản có thế mạnh lâu năm của Việt Nam đã thâm nhập được thị trường này như thủy hải sản. Ảnh: Internet
Ở chiều ngược lại, nhóm hàng nông sản chất lượng cao của EU sẽ tràn vào Việt Nam thời gian tới. Chính phủ đã tính đến vấn đề này và có chính sách thích hợp. Một sự mở cửa hạn chế đối với các nông sản thế mạnh của EU, đặc biệt là các sản phẩm đông lạnh như bò, lợn, gà đông lạnh xuất xứ EU thì sẽ mất 6-8 năm để dòng thuế về 0%.
Giá lợn đông lạnh xuất xứ EU hiện đang có giá rất cạnh tranh so với sản phẩm trong nước, thời gian tới khi các dòng thuế về 0% và không duy trì biện pháp hạn ngạch thì ngành chăn nuôi nước nhà sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Đây cũng là thách thức cạnh tranh để Việt Nam tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu
EU là thị trường tiềm năng, tuy nhiên các tiêu chí đưa ra với các mặt hàng nhập khẩu lại vô cùng chặt chẽ, như đảm bảo tính minh bạch trong suốt các quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản... Doanh nghiệp muốn tiếp cận một cách hiệu quả thị trường này phải đạt được các yêu cầu sau:
Về tiêu chuẩn chất lượng, nông sản Việt Nam bắt buộc phải sản xuất an toàn theo hướng GAP (thực hành nông nghiệp tốt). Người nông dân cần phải liên kết với doanh nghiệp hình thành các vùng trồng có diện tích lớn, áp dụng phương thức trồng trọt an toàn theo các quy chuẩn như VietGAP, Global GAP, như vậy mới đảm bảo số lượng và chất lượng để sang EU. Khi sản xuất sạch theo các quy chuẩn thì tỷ lệ rau quả cũng phải đạt yêu cầu về mẫu mã, hình thức.
Nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU. Ảnh: internet
Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, người tiêu dùng EU có xu hướng hạn chế các sản phẩm xa xỉ, ưu tiên chi tiêu những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Nhưng họ lại có xu hướng ưu tiên sử dụng các nông sản xuất xứ EU để đảm bảo chất lượng. Do đó, nông sản xuất khẩu sang EU bắt buộc phải đạt các tiêu chí về: an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy tắc xuất xứ...được tuân thủ ở mức cao nhất.
Về tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp, nhà nhập khẩu EU quan tâm đến việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, người lao động được đảm bảo quyền lợi ra sao trong môi trường sản xuất, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường ra sao? Sử dụng tài nguyên bền vững thế nào…
Những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ
Trước những cơ hội và thách thức trên, để có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa nông sản Việt Nam tới được các thị trường lớn thì Chính phủ cần phải có chính sách quan tâm hơn nữa tới ngành nông nghiệp. Cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người nông cải tiến mọi "quy trình" canh tác và chăm sóc.
Quản lý chặt chẽ, thậm chí cấm lưu hành sản phẩm hoá chất thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích sử dụng sản phẩm hữu cơ trong trồng trọt. Có các chương trình đào tạo, khuyến khích người nông dân canh tác theo phương pháp công nghệ, kỹ thuật mới.
PV tổng hợp