Hợp tác không tiếp xúc
Năm 2020, thời gian dịch Covid-19 xảy ra, nhằm thích ứng với tình hình mới, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế không yêu cầu tiếp xúc trực tiếp như trao đổi, đào tạo trực tuyến, nghiên cứu, chuẩn bị thủ tục nội bộ làm tiền đề triển khai các hoạt động đối ngoại cho giai đoạn tiếp theo.
Cục Sở hữu trí tuệ đã xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các kế hoạch của Chính phủ, của Bộ Khoa học và Công nghệ và ban hành chương trình hành động của Cục để thi hành Thỏa ước The Hague về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp sau khi Việt Nam gia nhập Thỏa ước này vào cuối tháng 9/2019.
Cục Sở hữu trí tuệ đã xây dựng quy trình tiếp nhận đơn nội bộ, xây dựng phần mềm quản trị đơn, tổ chức các hội thảo giới thiệu, phát hành tài liệu tuyên truyền,… giúp nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về hệ thống này. Từ đó họ có cơ hội đăng ký và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở hơn 70 thành viên Thỏa ước.
Để góp phần hỗ trợ, nâng cao năng lực của các địa phương, đưa các sản phẩm chủ lực bước vào các thị trường “khó tính”, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục triển khai một số hoạt động hợp tác quốc tế.
Điển hình là phối hợp với Hiệp hội Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc xây dựng Biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam; đề nghị hỗ trợ pha 2 Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu lụa Mã Châu; phối hợp với Cục Công nghiệp Thực phẩm Nhật Bản đăng ký 3 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (vải thiều Lục Ngạn, cà phê Buôn Mê Thuột và thanh long Bình Thuận) sang Nhật Bản…
Những dự án này góp phần nâng cao thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp của Việt Nam, tạo tiền đề cho các sản phẩm đó tiếp cận được với thị trường nước ngoài, từng bước nâng cao đời sống của người dân.
Các hoạt động quản trị công về sở hữu trí tuệ cũng ngày càng được nâng cao nhờ vào các dự án hợp tác quốc tế. Cục Sở hữu trí tuệ đã trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt việc tiếp nhận Hệ thống tự động hóa quản trị sở hữu công nghiệp và Dự án Số hóa tài liệu sở hữu công nghiệp với sự trợ giúp của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.
Cục Sở hữu trí tuệ cũng phối hợp với các đối tác Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc xây dựng, trình phê duyệt các đề xuất dự án Thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với Canada; Dự án Nâng cao năng lực xử lý đơn sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ với Nhật Bản và Dự án Nâng cao năng lực quản trị công về sở hữu trí tuệ với Hàn Quốc làm cơ sở triển khai từ năm 2021.
Đây là các dự án quan trọng, có tác động lâu dài, đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của Cục trong tương lai, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực tự động hóa quản trị sở hữu công nghiệp.
Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã phối hợp với các đối tác nước ngoài như Cơ quan Sáng chế châu Âu, Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu, Trung tâm Sở hữu công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ, Trung tâm Phương Nam… tổ chức một loạt hội thảo, khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ của Cục và các cơ quan liên quan.
Thành công của vải thiều Lục Ngạn
Hoạt động hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ đạt được hiệu quả bằng việc vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản từ năm 2021, một chứng nhận uy tín tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm ở các thị trường "khó tính".
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) là sản phẩm đầu tiên chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại đây.
Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa vải thiều vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản Việt khác tại thị trường "khó tính" này.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, câu chuyện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản là một câu chuyện dài, giúp Cục thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý trong công tác hỗ trợ các đặc sản địa phương của Việt Nam vươn ra thế giới.
Vốn nổi tiếng là một thị trường khó tính, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, vì vậy để được Nhật Bản chấp thuận, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường: hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường tác động chính trị nhằm đẩy nhanh quá trình này.
Có những bước đi thuận lợi nhất, các cơ quan hữu quan đã phải tác động chính trị ở nhiều cấp, thông qua các kênh hợp tác song phương đã được thực hiện tích cực. Tiếp xúc các cấp, từ thượng đỉnh, cấp cao cho đến cấp kỹ thuật, đều đề cập đến nội dung này.
Trong đó, ở cấp cao nhất, phải kể đến việc Tuyên bố chung giữa Thủ tướng của hai nước trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 6/2017 có nội dung “… sẵn sàng nỗ lực tạo thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu cam, quýt Nhật Bản vào Việt Nam và quả vải, nhãn Việt Nam vào Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý”.
Tiếp đó, một cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, có thể coi là có tính chất mở đường cho việc nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản, là Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản.
Theo đó, hai bên cam kết thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý hai nước và trên cơ sở Bản ghi nhớ. Hai bên đã trao đổi, đề xuất lựa chọn mỗi bên 3 sản phẩm để tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước còn lại. Vải thiều Lục Ngạn nằm trong số 3 sản phẩm của Việt Nam được lựa chọn, dựa trên tiêu chí danh tiếng, thị trường tiêu thụ, sự quan tâm của chính quyền địa phương, và sản phẩm có hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.
Cục Sở hữu trí tuệ, thông qua Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ cũng hỗ trợ việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản. Tiến trình kéo dài gần 2 năm và thực sự là một quá trình khó khăn. Ngoài lý do khác biệt về pháp luật bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa hai quốc gia, hồ sơ vải thiều Lục Ngạn vướng phải nhiều khó khăn về các thông số kĩ thuật của hồ sơ đơn và khó khăn về năng lực tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang, tháng 4/2019, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Phía Nhật Bản đánh giá khả năng vận hành của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý yếu, thiếu tài liệu đáng tin cậy nghiên cứu đặc tính của sản phẩm, đặc biệt không có tài liệu chứng minh đánh giá của xã hội đối với đặc tính của sản phẩm. Dữ liệu về đặc tính sản phẩm không được cập nhật thường xuyên. Hoạt động gắn chỉ dẫn địa lý trên bao bì sản phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ…
Nhằm đẩy nhanh tiến độ và đáp ứng các yêu cầu đề ra, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang đã làm việc với các cơ quan Trung ương, các ngành, đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện các tiêu chí. Theo đó, Sở tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí, quyết liệt vào cuộc, phối hợp tìm đơn vị, chuyên gia uy tín được Nhật Bản chấp nhận tham gia chứng nhận các yếu tố; phòng thí nghiệm, xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Sau khi hoàn thành lựa chọn, trong vụ vải thiều năm 2020, Sở đã phối hợp tổ chức lấy mẫu phân tích sản phẩm. Quá trình phân tích đã lấy mẫu có sự so sánh vải ở các vùng như: Phú Bình (Thái Nguyên); Chí Linh (Hải Dương), kết quả cho thấy trọng lượng vải của Lục Ngạn lớn hơn trọng lượng vải vùng xung quanh 11%, độ đường cao hơn từ 2-3%, độ ngọt lớn hơn từ 3%-5%. Những kết quả này được gửi bổ sung hồ sơ cho Nhật Bản.
Với sự vào cuộc của nhiều ban, ngành, tổ chức, cá nhân, những khó khăn này đã từng bước được giải quyết, giúp hoàn thiện các quy trình đăng ký cần thiết theo quy định của pháp luật Nhật Bản, đến ngày 12/3/2021, vải thiều Lục Ngạn trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ là chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí nhấn mạnh, việc vải thiều Lục Ngạn được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho vải thiều Lục Ngạn đến với thị trường Nhật Bản. Để vải thiều Lục Ngạn tiếp tục giữ vững được thị trường khó tính này, đã và sẽ cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía, nhiều cấp, bộ, ngành, mở rộng hơn nữa chỗ đứng của mình.
Vẫn còn đó nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải vượt qua, tuy nhiên, từ câu chuyện quả vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Việt Nam sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để có thêm các nông sản Việt tạo được uy tín ở nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Australia…
Trước đó, vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam vào năm 2008 và cũng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu sau khi Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020.
Nguồn TTXVN