Đây là mô hình có tính thích ứng biển đổi khí hậu cao, tạo thu nhập ổn định cho người dân nhờ hạn chế rủi ro dịch bệnh và giảm thiểu chi phí thức ăn. Đặc biệt, mô hình đã góp phần khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển Trà Vinh; ý thức bảo vệ, chăm sóc rừng của người dân địa phương được nâng lên rõ rệt.
Tổ hợp tác nuôi trồng tôm rừng ấp La Ghi, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải được thành lập năm 2019, gồm 9 hộ thành viên sản xuất trên diện tích 30 ha; trong đó, 8 hộ Khmer.
Ông Huỳnh Công Lý, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, trước đây, do sức hấp dẫn của lợi nhuận mang lại từ nghề nuôi tôm sú nên người dân ngày càng thâm canh hóa. Tuy nhiên, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh gia tăng, tỉ lệ rủi ro đối với nuôi thâm canh rất cao, nhiều hộ thua lỗ trở nên trắng tay. Vì vậy, khi được chính quyền địa phương vận động nuôi tôm kết hợp trồng rừng để thích ứng biến đổi khí hậu, người dân đã mạnh dạn tham gia.
Gia đình ông Huỳnh Công Lý bắt đầu nuôi tôm sú và cua biển dưới tán rừng từ năm 2006 trên diện tích 4,5 ha; trong này, khoảng 1,2 ha là diện tích trồng rừng, còn lại là mặt nước. Hàng năm, ông thả giống 4 đợt, đợt đầu tiên bắt đầu từ tháng 11 Âm lịch với khoảng 50.000 con giống tôm sú và 70.000 con giống cua biển. Sau 3 tháng bắt đầu thu hoạch lần đầu bằng cách tỉa thưa chọn tôm, cua đạt kích cỡ lớn để bán được giá cao. Đồng thời tiếp tục thả giống đợt 2, đợt 3 và kết thúc thả giống vào tháng 5 Âm lịch.
Ông Lý tính toán, mỗi năm ông thu hoạch được khoảng 1 tấn cua biển và 700-800 kg tôm sú. Với giá bán bình quân 250.000 đồng/kg cua, loại 2 con/kg và 300.000 đồng/kg tôm, loại 18 con/kg (giá bán luôn cao hơn 40.000-50.000 đồng/kg so với nuôi tôm sú thâm canh), gia đình ông đạt doanh thu khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thu lãi 200 triệu đồng.
Tuy lợi nhuận không cao như nuôi tôm công nghiệp nhưng điều ông luôn hài lòng là có nguồn thu nhập ổn định hàng năm; và góp phần cùng cộng đồng vừa bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, tạo môi trường sinh thái bền vững cho cuộc sống, sản xuất vùng ven biển của tỉnh. Năm 2021, ông mở rộng thêm diện tích sản xuất 2,8 ha và duy trì đến nay.
Gia đình bà Thạch Kiều, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cũng duy trì mô hình này trên diện tích 3,5 ha từ năm 2000 đến nay; trong đó, bố trí trồng cây rừng hơn 30% diện tích. Theo bà Kiều, nuôi tôm, cua dưới tán rừng rất nhẹ công chăm sóc, chi phí thức ăn không nhiều do tận dụng nguồn thức ăn trong môi trường nước tự nhiên; tôm nuôi phát triển khỏe mạnh, ít bệnh. Tôm thương phẩm rất dễ tiêu thụ, do các đại lý thu mua tại địa phương hoặc nhà máy chế biến tại tỉnh đều rất ưa chuộng tôm sạch. Bình quân mỗi năm, gia đình bà có thu nhập ổn định từ nuôi tôm, cua dưới tán rừng khoảng 200 triệu đồng.
Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải Trương Văn Huy cho biết, nuôi tôm, cua dưới tán rừng là mô hình nuôi thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, rất phù hợp với điều kiện sản xuất quy mô nông hộ trên địa bàn huyện Duyên Hải. Mô hình đã tạo sinh kế cho nông hộ ở khu vực 4 xã đảo ổn định, thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với các xã còn lại của huyện. Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người 4 xã này đều đạt trên 68 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 31 triệu đồng so với năm 2015 và cao hơn từ 8-10 triệu đồng/người/năm so với các xã khác của huyện.
Đi đôi với hiệu quả kinh tế là hiệu quả về môi trường, khi "lá phổi xanh" của địa phương được khôi phục và không ngừng phát triển. Hiện độ che phủ diện tích rừng ngập mặn của huyện Duyên Hải đạt tỷ lệ che phủ 16,64% so với tổng diện tích tự nhiên trên địa bàn huyện. Ý thức của người dân trên địa bàn về gìn giữ, bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên. Đến nay, huyện Duyên Hải có 2.065 hộ dân nuôi tôm sú kết hợp cua biển dưới tán rừng, với diện tích 4.432 ha, tăng 846 ha so với năm 2015; trong đó, xã Long Vĩnh có 450 hộ nuôi diện tích gần 1.500 ha, xã Đông Hải có 900 hộ nuôi 1.300 ha, xã Long Khánh có 633 hộ nuôi trên diện tích 1.508 ha và thị trấn Long Thành có 82 hộ nuôi 127 ha.
Địa phương cũng khuyến khích người dân vùng ven biển duy trì, mở rộng diện tích nuôi tôm, cua dưới tán rừng; ngành nông nghiệp sẽ tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ của mô hình để các hộ nuôi mới nắm vững kỹ thuật nuôi.
Nhờ người dân vùng ven biển cùng chính quyền địa phương tích cực trồng và bảo vệ nên từ năm 1996 đến nay, diện tích rừng ở Trà Vinh phát triển thêm gần 4.700 ha. Toàn tỉnh hiện có 9.620 ha rừng, với tỷ lệ che phủ đạt 4,1% diện tích; trong đó, diện tích rừng sản xuất khoảng 3.800 ha. Trà Vinh đặt mục tiêu đạt tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 4,2% vào năm 2025.
Bài và ảnh: Thanh Hòa (TTXVN)