Hơn 10 ngày sau cái chết của 1 nam sinh ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP HCM) do cây phượng vĩ bật gốc đè trúng, trách nhiệm, bài học để xảy ra sự việc thương tâm này vẫn chưa được làm rõ. Thế nhưng cây phượng vĩ lại trở thành nạn nhân, bị chặt hạ không thương tiếc ở nhiều nơi.
Hành động thái quá!
Cuối tháng 5-2020, 2 cây phượng vĩ trong khuôn viên Trường CĐ Công nghệ Tây Nguyên và 1 cây gần Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk đổ. Trước tình hình này, một số trường học ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã cắt hạ nhiều cây phượng vĩ trong khuôn viên trường.
Ông Y Khoa Niê Kđăm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Tây Nguyên, cho hay sau khi 2 cây phượng vĩ cổ thụ trong sân trường bị ngã đổ, hôm 28-5, trường đã tổ chức kiểm tra, đánh giá và cho cưa hạ 7-8 cây phượng cổ thụ đã bị mục ruỗng ở gốc rễ.
Còn Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (TP Buôn Ma Thuột) cũng vừa cắt hết cành ngọn 5 cây phượng vĩ. Theo lãnh đạo nhà trường, hằng năm, sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP đều chỉ đạo về việc cắt tỉa cây cảnh trong khuôn viên các trường nhằm bảo đảm an toàn. Hiện nay, Đắk Lắk đã vào mùa mưa, tiềm ẩn nguy cơ cây gãy, đổ vì gió. Do đó, nhà trường chủ động "hạ độ cao" một số cây xanh, trong đó có 5 cây phượng.
Thợ cơ khí lắp đặt giàn đỡ ở gốc cây phượng trong sân Trường THPT Hòa Vang (TP Đà Nẵng)
Nhiều người đã không đồng tình khi xem hình ảnh "thảm sát" phượng vĩ tại Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu trên Facebook. "Đây là những cây phượng vĩ còn ít năm tuổi, nếu trường sợ gãy đổ thì nên cắt tỉa cành nhánh chứ không vì sợ trách nhiệm mà cưa hạ hết như thế" - một phụ huynh của trường này nêu ý kiến.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết sở không chỉ đạo cưa hạ hết cây xanh nhưng một số trường làm một cách thái quá, không đúng tinh thần chỉ đạo. "Tôi đã nhận được một số phản ánh về tình trạng các trường cắt hạ cây xanh không đúng quy định. Do đó, sở đang rà soát lại, nhắc nhở các trường không nên hành động thái quá, phải xem xét cụ thể những cây nào mục ruỗng, có nguy cơ gãy đổ thì cắt chứ không vì sợ trách nhiệm mà đốn hạ hết" - ông Khoa nói.
Ngày 3-6, ông Đỗ Văn Phu, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho hay Sở GD-ĐT đã ban hành công văn yêu cầu tất cả các trường rà soát lại những cây phượng trồng trên sân trường lâu năm để có phương án xử lý.
"Chúng tôi có công văn hướng dẫn các trường không phá bỏ phượng vĩ trong sân trường một cách cực đoan, chỉ yêu cầu các trường rà soát lại những cây phượng đã trồng lâu năm; gốc có biểu hiện mục ruỗng để có phương án xử lý, bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh" - ông Phu nói.
Mắt thường không thấy cây mục ruỗng
Tình trạng chặt hạ cây phượng cũng xảy ra tại TP HCM. Lý giải về điều này, chiều 3-6, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho hay vừa qua, Sở GD-ĐT TP phối hợp với Sở Xây dựng đã đồng loạt kiểm tra cây xanh ở tất cả các trường. Các trường nếu có đốn cây thì có thể do Sở Xây dựng đã kiểm tra, giám định và thấy cây đó không an toàn. Chẳng hạn như ở Trường THPT Marie Curie (quận 3), khi đứng trên tầng cao chụp ảnh xuống thì đã thấy một cây mục ruỗng cần phải đốn hạ nên đã tổ chức đốn cây đó.
Tương tự, ngày 28-5, Sở Xây dựng và Phòng Quản lý đô thị quận 10 đã đến Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) khảo sát và tư vấn trường nên chặt gấp 1 cây phượng trong sân trường do cao tới tầng 3, độ nghiêng không bảo đảm và đốn 3 cây bàng đối diện.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, giải thích: "Mấy năm nay, theo mắt thường chúng tôi thấy cây nghiêng, chưa thấy sao cả nhưng cơ quan chức năng có chuyên môn tư vấn, giải thích, chúng tôi mới thấy đúng. Tuy nhiên, trường không đốn hết mà chặt cành lớn, vẫn chừa khoảng 3 m, chờ thời gian chăm sóc, có thể ra thêm cành nhánh sẽ an toàn hơn" - ông Phú nói.
Chặt cây thì dễ, giữ lại mới khó
Nhiều trường học tại TP HCM đang tìm nhiều cách để giữ lại cây xanh trong trường. Tại Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh), cây phượng vĩ với tuổi đời 33 năm được gia cố bằng 4 trụ đỡ bằng sắt kiên cố, bao quanh thân bằng một vòng tròn bằng sắt nối từ đỉnh cây đến mặt đất. Phía dưới 4 trụ được lắp đặt thêm hàng ghế ngồi xung quanh.
Còn ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận 10), sau khi đơn vị dịch vụ công ích đến thăm khám cây xanh đã phát hiện có một cây phượng già lâu năm cần phải đốn hạ, khi cưa ra thân rỗng to. Theo một giáo viên, trồng được một cây cổ thụ rất khó, lúc chặt mới biết giống cây phượng vĩ thân rỗng, rễ không sâu và hay mục. Dù vậy, trường cũng không đào gốc bỏ đi mà chỉ cắt ngang cành lớn, giữ lại gốc để sau này cây ra cành lá mới.
Các cây phượng vĩ tại một trường tiểu học ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk bị “hạ độ cao”
Trường THPT Marie Curie có 30 cây xanh thuộc dạng cổ thụ với đường kính lớn. Mỗi năm, nhà trường đều ký hợp đồng với Công ty Cây xanh TP đến mé nhánh, tỉa cành, đánh giá tình trạng từng cây ra sao để có hướng xử lý. Trường còn có một nhân viên chuyên phụ trách việc chăm sóc các cây cảnh, tỉa những cành thấp, quan sát từng cây để nếu có gì đột xuất thì báo cáo có hướng xử lý ngay.
"Mỗi năm, trường đều dành kinh phí khá lớn thuê bộ phận có chuyên môn cho việc quản lý cây xanh vì không phải ai cũng có chuyên môn. Phụ huynh cũng rất ủng hộ vì tính mạng, an toàn của học sinh quan trọng nhất" - ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng trường này, nói.
Nằm trên đường Ông Ích Đường, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, Trường THPT Hòa Vang gắn bó bao thế hệ học sinh với hình ảnh 2 cây phượng trong sân trường. Những gốc phượng này đã gần 60 năm tuổi, có từ những năm tháng mới thành lập trường.
Bà Hồ Thị Thu Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Vang, cho hay thay vì quyết định chặt bỏ, ban giám hiệu đã tìm một đơn vị chuyên chăm sóc cây xanh để xác định tuổi cây phượng, độ mục rỗng bên trong và bàn cách xử lý. Đơn vị chăm sóc cây xanh đã lên phương án làm giàn đỡ gốc cây bằng sắt.
Khoảng 5 ngày nay, đơn vị thi công cơ khí của công ty chăm sóc cây cảnh đã thực hiện giàn đỡ 2 cây phượng bên trong sân trường. Bà Thanh cho biết khuôn viên của trường không lớn nên việc giữ bóng mát trong sân trường vô cùng quan trọng. Vì thế, thay vì chặt bỏ cây thì tìm cách khắc phục, chống đỡ để giữ bóng mát, vừa tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo Người lao động