Thứ nhất, khẳng định “lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra”. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là đội quân cách mạng, thành phần tham gia thuộc giai cấp công nhân, giai cấp công nhân, tầng lớp trí thức và đông đảo các tầng lớp nhân dân yêu nước trong xã hội. Ngược lại, tất cả các tầng lớp nhân dân đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trực tiếp tham gia bảo vệ Tổ quốc. Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: “Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này. Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ…”. Điều 8 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: “Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân. Hằng năm, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 24 tháng”
Thứ hai, khẳng định mối quan hệ máu thịt với nhân dân là sức mạnh, động lực to lớn để lực lượng vũ trang thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam do nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc, chiến đấu, công tác để bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, coi phục vụ nhân dân là mục đích tối thượng của mình. Đồng thời, nhân dân là cội nguồn sức mạnh to lớn của lực lượng vũ trang, là chủ thể có quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác”
Công an nhân dân luôn phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, tổ chức nhiều hình thức tập hợp nhân dân bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận An ninh nhân dân vững chắc, với các sự kiện, phong trào thi đua mà tiêu biểu là “Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Thông qua đó, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, tội phạm, phần tử xấu. Đây là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ máu thịt giữa lực lượng vũ trang với nhân dân cũng như sự tham gia hiệu quả của nhân dân vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh – trật tự với tư cách vừa là chủ thể vừa là đối tượng bảo vệ. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân chính là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo truyền thống văn hóa giữ nước, toàn dân đánh giặc của dân tộc, lý luận Mác - Lênin về vũ trang toàn dân, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn.
Lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thực hiện tốt công tác dân vận, đi sâu, đi sát cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng – an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là trên các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang. Trong phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn là lực lượng nòng cốt, tuyến đầu, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Thứ ba, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc chức năng của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Trong các quy định của Đảng, Nhà nước đều coi trọng chức năng "đội quân sản xuất" của Quân đội và luôn nhất quán chủ trương quân đội tham gia lao động sản xuất, kết hợp hiệu quả giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng-an ninh. Việc sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động kết hợp kinh tế với quốc phòng được quy định trong nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của Quân đôị nhân dân Việt Nam, bảo đảm ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và dự trữ lâu dài nguồn đất đai phục vụ nhiệm vụ quốc phòng-an ninh để sử dụng kịp thời khi có tình huống phức tạp xảy ra. Việc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân tham gia phòng chống dịch bệnh cũng chính là thực hiện chức năng "đội quân chiến đấu", vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Thứ tư, chỉ rõ tính chất chính trị phản động của luận điệu phủ nhận tính nhân dân của lực lượng vũ trang. Khẳng định rõ nếu mất đi tính chất nhân dân, lực lượng vũ trang sẽ mất đi cội nguồn sức mạnh to lớn nhất. Bên cạnh đó, tính chất nguy hiểm của luận điệu “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” còn ở chỗ nó tác động đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân, làm cho một bộ phận nhân dân nhận thức sai lệch về bản chất, truyền thống, hình ảnh, uy tín và sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, suy giảm tình cảm và sự ủng hộ đối với lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ./.
Quang Minh