Quan điểm sai trái là quan điểm không đúng, thậm chí khác biệt, đối lập với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quan điểm sai trái có tính chất và mức độ khác nhau, từ chưa đồng thuận đến bất đồng với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ việc phủ nhận một số quan điểm trên một số vấn đề nhất định đến phủ nhận tất cả những quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quan điểm sai trái thường cổ xúy cho những tư tưởng, suy nghĩ, hành vi tiêu cực nhằm làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Quan điểm sai trái còn xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm làm cho người khác hiểu sai và a dua theo họ, tích tụ những tư tưởng tiêu cực dần dần tạo nên sự bất bình trong xã hội. Nguyên nhân của quan điểm sai trái có, chẳng hạn do thiếu hiểu biết, nhận thức không đúng về những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu niềm tin, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác.
Quan điểm thù địch là những quan điểm đối lập với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của của Nhà nước; là quan điểm không đúng của các thế lực cơ hội, bất mãn chính trị có mối hận thù sâu sắc với cách mạng Việt Nam, luôn tìm mọi cách phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Quan điểm sai trái có mối quan hệ mật thiết với quan điểm thù địch. Một số quan điểm sai trái chịu ảnh hưởng của tư tưởng thù địch, dễ dàng tin và ủng hộ cho tư tưởng thù địch và có thể chuyển thành tư tưởng thù địch. Sự chi phối, dẫn dắt của quan điểm thù địch đối với quan điểm sai trái là cực kỳ nguy hiểm cho sinh mệnh của Đảng, cho sự tồn tại của chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan điểm thù địch được sự ủng hộ, cổ xúy của quan điểm sai trái, cùng với quan điểm sai trái phá vỡ sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận xã hội; làm cho cộng đồng quốc tế hiểu không đúng về đất nước, con người và chế độ xã hội của Việt Nam, không ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Khi nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch, cũng cần phân biệt với những ý kiến khác với đường lối của Đảng. Trong nhận thức những vấn đề liên quan đến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên không tránh khỏi có những ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Đảng. Có những ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Đảng hoặc chủ trương cấp ủy đảng có thể do địa vị xã hội, lợi ích cụ thể, trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị, kinh nghiệm thực tiễn hoặc do thiếu thông tin, phương pháp tư duy siêu hình, từ đó có những ý kiến, cách tiếp cận khác với đường lối, quan điểm của Đảng. Nhưng ý kiến khác cũng có thể do một số cán bộ, đảng viên có tư duy đổi mới, tầm nhìn vượt trước, những ý tưởng mới, sáng kiến mới của họ vượt khỏi giới hạn nhận thức cũ, vượt khỏi những chủ trương, quan điểm hiện hành khi đó, nhưng thời gian về sau lại được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn. Chẳng hạn, nếu không có “khoán chui” thì không có “khoán 100”, “khoán 10” và rộng ra là đường lối đổi mới sản xuất nông nghiệp, đổi mới đất nước.
Không thể quy chụp những ý kiến khác với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thành những quan điểm thù địch. Có như vậy mới khuyến khích đổi mới tư duy, tìm tòi sáng tạo cái mới, đóng góp những ý tưởng mới, sáng kiến mới. Tuy nhiên, trong khi các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các diễn đàn, nhất là mạng xã hội để tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng bằng những lời lẽ xúc phạm, thóa mạ, khiêu khích... cán bộ, đảng viên nếu có ý kiến khác với đường lối, quan điểm của Đảng có thể phản ánh lên cấp trên, cấp có thẩm quyền, có quyền bảo lưu ý kiến hoặc trình bày, thảo luận trong các hội thảo khoa học, hội nghị nội bộ mà không được tùy tiện phát tán trên các phương tiện thông tin đại chúng vì đảng viên phải chấp hành Điều lệ Đảng và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Sự phân định này là cần thiết để có thái độ đúng đắn với từng loại ý kiến, tránh thái độ cực đoan kiểu “vơ đũa cả nắm”./.
PV