Phân công công tác cho đảng viên là việc giao cho đảng viên những nhiệm vụ thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ. Phân công hợp lý, giúp đỡ cụ thể, giám sát thường xuyên, động viên kịp thời, đánh giá nghiêm túc sẽ giúp đảng viên tự giác thực hiện và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Phân công công tác cho đảng viên là một nội dung trong công tác quản lý đảng viên của các chi bộ đảng. Đó, “là việc giao cho đảng viên những nhiệm vụ thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ như: Xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; phát triển đảng viên; xây dựng chính quyền, đoàn thể vững mạnh; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội...”(1).
Việc xác định các nội dung cần thiết để phân công cho đảng viên thực hiện xuất phát từ quy định của Đảng về nhiệm vụ đảng viên (gồm 4 nhóm nhiệm vụ tại Điều 2 Điều lệ Đảng). Đồng thời, còn có những nhiệm vụ khác do cơ quan chuyên môn, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội (mà đảng viên là thành viên của cơ quan, tổ chức đó) phân công. Đảng viên phải hoàn thành có chất lượng, hiệu quả và bảo đảm thời gian thực hiện các nhiệm vụ nói trên mới được đánh giá là “hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Thời gian qua, trong sinh hoạt và hoạt động của các chi bộ đảng, việc phân công công tác cho đảng viên nhìn chung được tổ chức thực hiện có nề nếp; sau phân công có theo dõi, kiểm tra, điều chỉnh, hỗ trợ, phối hợp thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Các số liệu thống kê chất lượng hàng năm trong toàn Đảng chỉ ra rằng: đa phần đảng viên đều “hoàn thành tốt nhiệm vụ”, với tỷ lệ giao động từ 70% đến trên 90%. Nhiều chi bộ nhiều năm liên tục có 100% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khoảng 15 % đến 20% đảng viên “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Bên cạnh đó, trong Đảng vẫn tồn tại một bộ phận đảng viên “không hoàn thành nhiệm vụ”, hoặc “hoàn thành nhiệm vụ” song còn một số hạn chế, khuyết điểm nhất định trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đó không chỉ gồm một số đảng viên đang công tác trong các cơ quan của hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, vi phạm nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ chi bộ, cơ quan chuyên môn giao, vi phạm đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó còn là những người ở trong một số đơn vị, tổ chức ngoài công lập không có tổ chức đảng, hoặc tổ chức đảng yếu kém; một số chi bộ khu dân cư, nhất là vùng nông thôn, miền núi khó khăn, nên ít có điều kiện tham gia các hoạt động chính trị; một số chi bộ yếu kém, không phân công nhiệm vụ cho đảng viên, hoặc thiếu theo dõi, hướng dẫn, quản lý đảng viên thực hiện nhiệm vụ…
Dù với nhóm đảng viên nào, trong phạm vi hoàn cảnh nào, thì trách nhiệm của chi bộ, của cấp ủy cấp trên trực tiếp, của bản thân đảng viên đều cần được xem xét, đánh giá. Trách nhiệm đó được Đảng nêu rõ: “Chi bộ có trách nhiệm giúp đỡ, kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện, đưa vào nội dung đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm. Đảng viên được phân công có trách nhiệm báo cáo với chi bộ theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu. Cấp ủy cấp trên thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và rút kinh nghiệm”(2).
Khi chi bộ và cấp ủy cấp trên thiếu trách nhiệm, những đảng viên không chấp hành nhiệm vụ được phân công, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước không được chi bộ phê bình, kiểm điểm, giáo dục, bồi dưỡng để khắc phục; không được cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật kịp thời, hoặc sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng để làm trong sạch Đảng. Khi đảng viên bàng quan với trách nhiệm đối với chi bộ, với Đảng, không tự giác, nỗ lực, chịu khó, chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ, thậm chí lợi dụng chức vụ, quyền hạn được Đảng, Nhà nước phân công để đặt mình đứng ngoài sự quản lý của chi bộ, đứng trên nhiệm vụ được chi bộ phân công… thì con đường đến với suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là tất yếu.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của chi bộ trong phân công công tác cho đảng viên một cách hợp lý, giúp đỡ cụ thể, giám sát thường xuyên, động viên kịp thời, đánh giá nghiêm túc sẽ giúp đảng viên tự giác thực hiện và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Các chi bộ, cấp ủy đảng cấp trên cần phát huy vai trò của chính quyền, cơ quan chuyên môn, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong cơ quan, tổ chức và nơi đảng viên cư trú tham gia giám sát, góp ý xây dựng, phản ánh để cấp ủy cấp trên và chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt biết và điều chỉnh trách nhiệm phân công, giáo dục, giúp đỡ, xử lý kịp thời, có hiệu quả.
Bản thân mỗi đảng viên cần tự giác xây dựng chương trình, kế hoạch công tác khi được chi bộ phân công; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy chế làm việc, quy định của cơ quan; giữ mối liên hệ với cấp ủy và nhân dân nơi cư trú; thành tâm tự phê bình, tiếp nhận sự phê bình của chi bộ, cán bộ, đảng viên và nhân dân; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với nhiệm vụ được chi bộ và cấp ủy có thẩm quyền phân công.
“Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”(3). Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là bài học mà mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều phải chú trọng, nằm lòng.
Đặng Vân
Tài liệu tham khảo và chú thích
(1), (2). Hướng dẫn 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng.
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2011, tr.113.