Nhận diện nguồn lực tôn giáo
Có nhiều cách tiếp cận nguồn lực tôn giáo. PGS, TS Nguyễn Hồng Dương cho rằng nguồn lực tôn giáo suy cho cùng có: nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất. Nguồn lực tinh thần có: tư tưởng" dân là gốc", "khoan thư sức dân", "Quốc thái dân an", "chăm lo người nghèo khó", "lượng hình, xá tội của Nho giáo, Phật giáo được Đảng ta vận dụng vào trong đường lối, chính sách; có lối sống thiện căn, tu tâm, dưỡng tính khuyên con người làm lành, lánh dữ, tích đức hành thiện, biết sợ phạm tội; lối sồng vì tha nhân của tôn giáo; có lễ hội truyền thống - một nguồn lực trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có nguồn lực của sức mạnh đoàn kết, một nguồn lực mang giá trị thường hằng,..
Về nguồn lực vật chất, các tôn giáo lớn ở Việt Nam đều gắn đạo với đời, với tư tưởng nhập thế, được thể hiện qua những việc làm cụ thể mà các tôn giáo có thế mạnh như hoạt động từ thiện, văn hóa - xã hội, tham gia vào dịch vụ công để chia sẻ gánh nặng cho xã hội. Trong phát triển bền vững, tôn giáo đặc biệt có vai trò bảo vệ môi trường, đề cao việc sống hòa đồng gần gũi với thiên nhiên,...
Tiếp cận nguồn lực tôn giáo qua các con số, các mối quan hệ của tôn giáo, qua địa tôn giáo và thông qua phân tích chức năng của tôn giáo dưới đây cũng đưa đến kết quả tương tự về nguồn lực tôn giáo, song cách tiếp cận này có thể cho phép nhìn nhận rõ hơn về nguồn lực của từng loại hình tôn giáo, tổ chức tôn giáo gắn với vùng miền, giai đoạn khác nhau; đồng thời cho thấy việc phát huy nguồn lực tôn giáo đôi khi cũng cần một số sự chấp nhận.
Tôn giáo, nếu nhìn nhận là một thực thể xã hội thì thực thể này ở nước ta khá lớn. Theo kết quả thống kê 15 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo (2003 - 2018), đến tháng 6/2017 Việt Nam có 27% dân số theo tôn giáo với 25,3 triệu tín đồ, là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số theo tôn giáo không nhỏ trên thế giới nếu tính cả số người có tình cảm với Phật giáo thì tỷ lệ này có thể lên tới 70-80%. So với một số đoàn thể, cộng đồng người theo tôn giáo đang có số lượng thành viên lớn hơn.
Tôn giáo ở Việt Nam 15 năm qua có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Nếu số lượng tín đồ tôn giáo năm 2015 so với năm 2003 tăng 35% thì cùng thời gian này, số lượng chức sắc, chức việc tôn giáo tăng gần 70%, số lượng cơ sở thờ tự của tôn giáo tăng 33%. Khó có lực lượng xã hội nào có được kết quả tăng trưởng này. Dự kiến tôn giáo ở Việt Nam còn tiếp tục phát triển.
Trong số 25,3 triệu người theo tôn giáo có gần 200 ngàn chức sắc, chức việc (khoảng 125 tín đồ/1 chức sắc, chức việc). Đây là lực lượng lãnh đạo, dẫn dắt tín đồ cả việc đạo và việc đời. Chức sắc, chức việc các tôn giáo nhìn chung có học vấn, được đào tạo Thần học bài bản, trong đó một bộ phận chức sắc, chức việc còn được đào tạo để am hiểu nhiều lĩnh vực từ tâm lý đến văn hóa, từ kinh tế đến chính trị và kỹ năng giao tiếp, thuyết phục. Phần lớn chức sắc, chức việc các tôn giáo có tính Thần quyền - một dạng quyền lực gần như không có giới hạn, không theo nhiệm kỳ, và được tín đồ tự nguyện, tự giác "vâng phục" một cách tuyệt đối. Tính vâng phục bề trên (lãnh đạo) của tín đồ tôn giáo thường nghiêm cẩn, tự giác hơn rất nhiều sự tuân thủ nguyên tắc tổ chức thứ bậc hành chính trong các đoàn thể khác.
Cả nước hiện có 50 cơ sở đào tạo tôn giáo, thực hiện đào tạo từ trung cấp giáo lý đến thạc sĩ, tiến sĩ Thần học. Hệ thống này tồn tại độc lập, bên ngoài hệ thống giáo dục quốc dân. Nói cách khác, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tự chủ trong đào tạo và xây dựng chủ thuyết Thần học cho riêng mình. Sự tự chủ này được pháp luật ghi nhận và cho phép. Điều này rất khác các đoàn thể, lực lượng xã hội khác.
Đức tính vâng phục của tín đồ và đặc tính quyền lực gần như tuyệt đối của chức sắc trong mối quan hệ với tín đồ đã đem lại cho tôn giáo sức mạnh của đoàn thể có tổ chức và sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên mà không phải thiết chế nào cũng có được.
Trên phương diện kinh tế
Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) khẳng định: Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Tôn giáo với tư cách là một thành tố của văn hóa, tôn giáo tất yếu có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của kinh tế. Sự ảnh hưởng là thúc đẩy hay kìm hãm kinh tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tự do tôn giáo được tổ chức Pew Porum (Hoa Kỳ) chỉ ra là yếu tố có tính quyết định đến ảnh hưởng của tôn giáo lên kinh tế. Cụ thể, Pew Porum chỉ ra:
- Tự do tôn giáo giúp giảm bớt tham nhũng bởi các giá trị đạo đức tôn giáo được phát huy. Tình trạng tham nhũng là một trong những yếu tố tác động mạnh và tiêu cực đến sự phát triển kinh tế bền vững. Luân lý và đạo đức tôn giáo đều khuyến thiện và cỗ vũ lối sống trung thực, lìa xa sự lợi dụng vì mục đích cá nhân, ích kỷ, dưới bất kỳ hình thức nào... Do đó tự do tôn giáo tạo điều kiện thuận lợi để những người kinh doanh có thể đưa những giá trị tôn giáo và giáo lý đạo đức vào trong ứng xử và hoạt động kinh doanh của họ, làm cho họ trở thành những đối tác tin cậy và trách nhiệm hơn, các hợp đồng kinh tế sẽ được minh bạch hơn.
- Tự do tôn giáo góp phần tích cực vào việc kiến tạo hòa bình bằng cách giảm căng thẳng, xung đột bạo lực liên quan đến tôn giáo và điều đó là quan trọng đối với doanh nghiệp. Nơi có sự ổn định sẽ có nhiều cơ hội để đầu tư và tiến hành các hoạt động kinh doanh bình thường và có thể dự báo được, đặc biệt là trong các thị trường mới nổi và thị trường mới.
- Hầu hết các hoạt động tôn giáo ở các mức độ khác nhau đều mang ý nghĩa kinh tế. Các hoạt động tôn giáo, từ việc đi lại để tham gia các sinh hoạt liên quan tôn giáo, hoạt động truyền thông tôn giáo và tổ chức các sự kiện tôn giáo, đến việc xây dựng các cơ sở tôn giáo,.. đều phát sinh giao dịch mang tính cung - cầu. Chính vì vậy, hoạt động tôn giáo được tự do sẽ làm gia tăng các giao dịch kinh tế, kích cầu, tạo thêm việc làm,... do đó trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương hay quốc gia.
- Tự do tôn giáo thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái. Bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái là một yếu tố căn bản của phát triển bền vững. Giáo lý các tôn giáo đều đề cao lối sống trách nhiệm giữa con người với nhau và với môi trường sống cho thế hệ mai sau. Khi tự do tôn giáo được tôn trọng, đạo đức tôn giáo sẽ được phát huy vào cuộc sống nói chung, hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng, góp phần ngăn ngừa việc sử dụng hóa chất gây hại cho sức khỏe con người hay môi trường sống và hạn chế tình trạng khai thác kiệt quệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như giảm thiểu chất thải có hại cho môi sinh.
Trên phương diện chức năng tôn giáo
Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng, tôn giáo là sản phẩm của con người, phản ánh sự bất lực của con người trước các hiện tượng thiên nhiên và bất công trong xã hội mà không thể lý giải được; nhưng tôn giáo cũng là cách phản ánh khát vọng của con người về một cuộc sống không có áp bức. Vì thế, tôn giáo có khả năng liên kết những người đồng đạo, xoa dịu nỗi đau cho những người yếm thế và điều chỉnh hành vi của con người bằng công cụ đạo đức.
Tiếp cận tôn giáo ở phương diện này cho thấy tôn giáo gắn liền với con người. Con người tạo ra tôn giáo rồi lại buộc mình vào chính sản phẩm ấy và lệ thuộc nó, chịu sự chi phối của nó.
Trong phát triển kinh tế, con người là nhân tố quyết định. Con người chịu sự chi phối của một học thuyết tôn giáo nào đó, tất học thuyết ấy tham gia vào quá trình làm kinh tế của người ấy, rộng hơn là của cộng đồng cùng tin theo tôn giáo ấy. Điều này đã được Max Veber (1864 - 1920) chỉ ra trong tác phẩm "Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản". Qua tập trung nghiên cứu cộng đồng Thanh giáo, Max Veber chỉ ra rằng: tư tưởng đạo đức Tin lành (căn cơ, tiết kiệm, đạm bạc, dấn thân, làm việc vì niềm vui sống tinh thần,...) là cơ sở gốc rễ hình thành tinh thần chủ nghĩa tư bản. Nói cách khác, theo Max Veber đạo đức Tin lành góp phần hình thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Điều này chưa kết thúc tranh luận. Ngày nay, chủ nghĩa tư bản đã vượt qua sự tái sản xuất bằng nền đạo đức Tin lành và không còn cần đến gốc rễ cơ sở mang tính tôn giáo nữa. Thực tế cũng đã chứng minh không chỉ có "nền đạo đức Tin lành" là duy nhất có vai trò trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở phương Tây. Tinh thần chủ nghĩa cộng sản, sự giáo dục lao động cống hiến,.. thời phục hồi kinh tế ở Liên Xô cũ sau chiến tranh là một ví dụ minh chứng cho thực tế này.
Trên phương diện địa tôn giáo
Tiếp cận trên phương diện địa tôn giáo, ta có:
- Tôn giáo nội sinh - tôn giáo ngoại nhập
- Tôn giáo vùng dân tộc thiểu số
- Tôn giáo trong khu công nghiệp, khu chế xuất
- Tôn giáo trong Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài
- Tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Tiếp cận từ phương diện này cho thấy tôn giáo ở mỗi khu vực, vùng miền khác nhau sẽ có thế mạnh hay nguồn lực khác nhau. Việc phát huy nguồn lực tôn giáo vì vậy phải gắn với điều kiện tự nhiên - xã hội của mỗi vùng, miền, tôn giáo.
Trên góc độ quan hệ của tổ chức tôn giáo
Tôn giáo ở Việt Nam phần lớn có nguồn gốc từ nước ngoài. Công giáo từ Pháp vào, hiện quan hệ trực tiếp với Vatican và với các quốc gia có Công giáo. Tin lành từ Mỹ đến, hiện quan hệ đa phương với tất cả các châu lục, quốc gia, vùng lãnh thổ có đạo Tin lành. Phật giáo từ Trung Quốc, Ấn Độ sang, hiện là một kênh gắn kết ba nước Đông Dương, lớn hơn là các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mêkông, Phật giáo Việt Nam đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hồi giáo ở Việt Nam tuy nhỏ nhưng vẫn là một phần của Hồi giáo thế giới, vẫn có khả năng đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới thông qua thương hiệu Halah của Hồi giáo,.. (còn tiếp)
BTH