Định hướng phát huy nguồn lực tôn giáo
(1) Người theo tôn giáo ở nước ta đang chiếm số đông trong xã hội và sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, nguồn lực đầu tiên trong tôn giáo cần được phát huy đó chính là sức mạnh tổng hợp của lực lượng quần chúng theo các tôn giáo khác nhau. Làm cho đồng bào theo các tôn giáo khác nhau đoàn kết với nhau và đoàn kết với đồng bào không theo tôn giáo để hợp thành khối đại đoàn kết toàn dân, chung lòng chung sức xây dựng đất nước chính là mục tiêu cốt lõi của công tác tôn giáo đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX chỉ đạo tại Nghị quyết số 25-NQ/TW (2003).
(2) Tiếp cận ở phương diện chức năng thấy rõ tôn giáo có lợi thế để thực hiện các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội, chăm sóc người tàn tật, người nhiễm HIV, cứu trợ thiên tai, huy động vốn xây dựng các công trình dân sinh, phúc lợi xã hội (cầu, đường, giếng nước sạch,...). Đây là nguồn lực thuộc điều kiện có sẵn của tất cả các loại hình tôn giáo, tổ chức tôn giáo khác nhau và có thể được phân loại như sau:
- Nhóm lĩnh vực tôn giáo có khả năng làm tốt hơn các thành phần khác là hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội.
- Nhóm lĩnh vực tôn giáo có khả năng chia sẻ, giảm tải cho nhà nước và góp phần nâng cao chất lượng là lĩnh vực giáo dục, y tế, dạy nghề.
- Nhóm lĩnh vực tôn giáo có khả năng hỗ trợ, gồm: tham gia bảo tồn, nuôi dưỡng, quảng bá và làm giàu văn hóa dân tộc; góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng thương hiệu hàng hóa (sản phẩm Halah của Hồi giáo), hình thành đạo đức, nhân cách con người.
(3) Việc phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế cần căn cứ vào mục tiêu phát triển của quốc gia trong từng giai đoạn để xác định nguồn lực tôn giáo phù hợp cần phát huy; đồng thời chú ý phát huy đúng thế mạnh của từng loại hình tôn giáo, tổ chức tôn giáo cụ thể.
Tôn giáo Việt Nam là một cộng đồng gồm nhiều thực thể khác nhau. Do đó phát huy nguồn lực tôn giáo cần chú ý đến đặc điểm và khả năng riêng khác của từng loại hình tôn giáo, tổ chức tôn giáo để khai thác, phát huy. Ví dụ, với một Công giáo vâng phục, chặt chẽ về giáo quyền, vốn có khoảng cách nhất định với dân tộc thì đoàn kết giáo dân, chức sắc Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân nên là mục tiêu cao nhất trong phát huy nguồn lực Công giáo ở giai đoạn cần ổn định xã hội như hiện nay. Đối với Phật giáo, tìm kiếm sự đồng thuận xã hội thông qua Phật giáo là một kênh có thể khai thác vì số lượng Phật tử gấp gần 2 lần số giáo dân Công giáo và hơn rất nhiều số lượng tín đồ của các tôn giáo khác, chưa kể số người có tình cảm với Phật giáo. Phật giáo có khả năng "huy động vốn" lớn và nhanh cho các công trình phúc lợi, dân sinh.
Đối với đạo Tin lành, số lượng tín đồ không đông lại phân tán trong nhiều tổ chức, nhưng cần thấy Tin lành có mối quan hệ quốc tế rộng, đặc biệt gần gũi với các quốc gia là đối tác chiến lược của Việt Nam như Mỹ, Hàn Quốc, một số nước châu Âu,.. Quan hệ quốc tế của đạo Tin lành trong một số trường hợp cũng là nguồn lực tôn giáo. Sản phẩm đóng dấu Halah của Hồi giáo được tất cả các quốc gia Hồi giáo chấp thuận, đây cũng là một kênh để đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi các nước. Tôn giáo nào thế mạnh ấy, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, mục tiêu trước mắt và lâu dài để phát huy. Song để việc phát huy có tính thời điểm được hiệu quả thì trước đó cần có sự nuôi dưỡng tốt cho mối quan hệ giữa tôn giáo với nhà nước, không thể "tranh thủ thời vụ" đối với tôn giáo.
Một số vấn đề cần lưu ý trong phát huy nguồn lực tôn giáo
(1) Để phát huy nguồn lực tôn giáo, cần nhìn nhận đúng, khách quan về nguồn lực của tôn giáo, tránh "tô hồng" đối với "tôn giáo người nhà", "bôi đen" đối với tôn giáo bị định kiến. Tôn giáo có một số thế mạnh, song không vì thế mà tuyệt đối hóa hay đề cao thái quá nguồn lực của tôn giáo so với các thành phần, lực lượng xã hội khác; cần nhận thức rõ nguồn lực của tôn giáo không phải là nguồn lực không thể thay thế.
(2) Trong phát huy nguồn lực tôn giáo, về chính sách chỉ cần tạo hàng lang pháp lý để tổ chức tôn giáo được tham gia các lĩnh vực bình đẳng như những pháp nhân khác, mà không cần và không nên có chính sách ưu đãi riêng cho tổ chức tôn giáo, vì ưu đãi riêng cũng đồng nghĩa với khuyến khích tôn giáo phát triển. Chúng ta chỉ cần khơi thông nguồn lực tôn giáo sẵn có và đưa nguồn lực ấy vận hành trong khung pháp lý với những điều kiện như những pháp nhân khác.
(3) Về quản lý, cần phân biệt các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục, dạy nghề của tôn giáo với hoạt động tôn giáo và nên tách bộ máy thực hiện các hoạt động này ra khỏi bộ máy hành chính đạo của tôn giáo, hướng các tổ chức tôn giáo thành lập pháp nhân riêng (hoặc là pháp nhân phi thương mại, hoặc là pháp nhân thương mại, tùy thuộc mục đích) để điều hành hoạt động trên các lĩnh vực mà tôn giáo có khả năng tham gia/hỗ trợ như: giáo dục, y tế, dạy nghề, bảo trợ xã hội và làm kinh tế. Ví dụ: Nếu tổ chức tôn giáo hoạt động kinh tế thì phải thành lập pháp nhân riêng và cùng bị điều chỉnh bởi một chính sách, pháp luật về kinh tế và thuế chung như những pháp nhân kinh tế khác. Bằng cách này vừa phát huy được nguồn lực tôn giáo, vừa lành mạnh hóa đời sống tôn giáo, vừa thuận cho công tác quản lý.
(4) Chấp nhận sự hiện diện và ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống xã hội sẽ theo đó mà tăng lên, cạnh tranh với dịch vụ của nhà nước, tổ chức xã hội khác.
(5) Phát huy nguồn lực tôn giáo cần tránh thương mại hóa tôn giáo, càng tránh chính trị hóa tôn giáo.
(6) Phát huy nguồn lực tôn giáo không có nghĩa không hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo./.
BTH