Thương binh Hà Hữu Độ, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) luôn lạc quan, hăng say lao động. Ảnh: Báo Tuyên Quang
Trải qua nhiều năm chiến tranh để bảo vệ độc lập dân tộc, cả nước hiện có 1,2 triệu thương binh, trong đó có 2 ngàn thương binh nặng. Dù bị mất một phần sức lao động nhưng thương binh, bệnh binh có tinh thần, nghị lực, trí tuệ và kinh nghiệm, đây là những nguồn lực rất quý báu với xã hội.
Thương binh, bệnh binh là những tấm gương về sự hy sinh, tinh thần tiên phong, đi đầu trong chiến đấu, và tinh thần ấy cần phát huy trong lao động, sản xuất, tham gia công tác tại địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn đội ngũ thương binh, bệnh binh binh “Khi đã khôi phục sức khoẻ, các cồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận”; khắc phục tâm lý “công thần” hay tâm trạng bi quan, chán nản; vừa “nuôi lại sức khỏe” vừa ‘cố gắng học tập”. Họ là công dân kiểu mẫu thì dù ở tiền tuyến hay ở hậu phương đều phải giữ vững và phát huy tinh thần, nghị lực vươn lên của con người Việt Nam trong khó khăn để cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống của thương binh, bệnh binh, đồng thời động viên khuyến khích tinh thần tự lực cánh sinh để đảm bảo cuộc sống cho bản thân, gia đình và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Thương binh Đỗ Bá Nhiều (giữa) bên vườn bưởi của gia đình tại ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Nghĩa (H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Báo Đồng Nai
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều thương binh, bệnh binh đã không ngừng học tập, lao động, khắc phục khó khăn, cố gắng vươn lên, gương mẫu đi đầu trên các lĩnh vực, tích cực, bền bỉ, sáng tạo, sống có ích, tiếp tục trở thành những chiến sĩ xung phong trên trận tuyến chống lại đói nghèo, lạc hậu, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước. Đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả của thương binh, bệnh binh trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đã có nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh tiêu biểu được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng. Những tấm gương ấy vừa khẳng định tinh thần tự lực cánh sinh của thương binh, bệnh binh, đồng thời có sức lan toả rộng rãi, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam.
Tri ân các thương binh, bệnh binh, chúng ta không chỉ tôn vinh chiến công, đóng góp của họ trong chiến tranh mà cần tiếp tục lan toả những tấm gương sáng của những thương binh, bệnh binh trong thời bình. Các cấp các ngành cần tiếp tục quán triệt sâu sắc lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, bệnh binh để khơi dậy tinh thần cố gắng vươn lên của họ, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh./.
Hà Dương