Hình minh họa: Internet
Ngay từ những năm đầu hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho báo chí, với tinh thần chiến đấu, tính đảng và tính nhân dân sâu sắc. Từ di sản của Người, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học cần tiếp tục phát huy để báo chí cách mạng Việt Nam hoàn thành tốt vai trò, vị trí quan trọng với sự phát triển của đất nước.
Trước hết, báo chí cách mạng phải giữ vị trí tiên phong trong định hướng thông tin - tuyên truyền phục vụ cho cách mạng. Theo Người, báo chí phải “là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”; và thực tiễn hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã minh chứng điều đó. Tờ “Người cùng khổ” (1922) đã đến đúng lúc, đúng thời điểm cần có cho phong trào để tố cáo chế độ thực dân, thức tỉnh phong trào các xứ thuộc địa. Tờ “Thanh niên” (1925) là dòng tư tưởng cách mạng đầu nguồn góp phần đưa phong trào cách mạng sang giai đoạn mới. Tờ “Việt Nam độc lập” (Việt Lập, năm 1941) hướng dẫn phong trào cách mạng trong thời kỳ bí mật chuẩn bị cho cao trào đấu tranh thời kỳ Cách mạng Tháng Tám.
Do vậy, trong công cuộc dựng xây và đổi mới đất nước, báo chí cách mạng cần tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong, xung kích của những người “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”, tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta giành những thắng lợi to lớn. Để giành và giữ những nhóm công chúng báo chí đặc thù, làm nòng cốt cho các phong trào cách mạng, nhất là trên mặt trận tư tưởng, trong bối cảnh bùng nổ thông tin và thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí cách mạng Việt Nam cần chú trọng tìm kiếm và sử dụng các phương thức mới, hình thức mới để cho ra đời những sản phẩm báo chí mang lại hiệu quả thông tin cao nhất.
Thứ hai, báo chí phải phục vụ nhân dân, đồng hành cùng nhân dân, là tiếng nói, diễn đàn của nhân dân. Theo Người, báo chí cách mạng phải hướng tới quần chúng nhân dân, lấy quần chúng nhân dân làm trung tâm, vừa là đối tượng phục vụ, vừa là đối tượng phản ánh. Báo cách mạng phải biết lắng nghe quần chúng nhân dân, viết cho nhân dân đọc, “viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra”.
Tiếp nối truyền thống đó, báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang đang thể hiện vị trí, vai trò là tiếng nói, diễn đàn của nhân dân, phản ánh trung thực, sinh động ý chí, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, khí thế thi đua lao động sản xuất, học tập trên khắp mọi miền đất nước; phát hiện, biểu dương, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, đấu tranh phản bác những thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; bảo vệ kỷ cương pháp luật; giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào và tinh thần dân tộc; xây dựng nền văn hóa, nâng cao dân trí, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước; nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Thứ ba, đề cao vai trò của người làm báo. Theo Người, “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Chính vì thế, những người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, chuyên môn nghiệp vụ để có “bút sắc”, “tâm sáng”. Đồng thời, “tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, thực hiện tốt vai trò “người thư ký của thời đại”, là lực lượng tuyến đầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay./.
Phương Nhung