Dựa vào dân – quan điểm xuyên suốt của Hồ Chí Minh
“Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” là khát vọng thôi thúc Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, đó là niềm trăn trở khôn nguôi, là lẽ sống cao quý suốt cuộc đời Hồ Chí Minh. Đó cũng là khát vọng thôi thúc cả dân tộc tiếp tục đấu tranh bảo vệ độc lập, giành quyền sống và mưu cầu hạnh phúc; phù hợp với xu thế phát triển tiến bộ của nhân loại. Trong gian khổ, ác liệt của cuộc chiến tranh trường kỳ chống lại những đế quốc xâm lược giàu mạnh, Người vẫn khẳng định tinh thần bất diệt "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", nêu lên chân lý bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Để xây dựng đất nước độc lập, tự cường, phồn vinh và hạnh phúc, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải dựa vào nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, nhân dân là chủ thể của cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước; đồng thời là chủ thể tối cao của đất nước và quyền lực Nhà nước. Truyền thống thân dân, trọng dân của dân tộc đã được Hồ Chí Minh kế thừa, nâng tầm và phát huy trong thời đại mới. Đó là phát huy sức mạnh vô tận của nhân dân dưới sự dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Người khẳng định “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Đồng thời, lực lượng thực hiện tất cả chính sách của Đảng và Nhà nước, cần phát huy nguồn lực tiềm tàng, vô tận của nhân dân theo phương châm “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Người từng nói: Đảng và Chính phủ phải tổ chức, giáo dục,động viên nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân xây dựng đời sống ấm no, xây dựng đất nước tự cường và hạnh phúc.
Bên cạnh đó, theo Hồ Chí Minh, chăm lo đời sống nhân dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách của Đảng và Nhà nước. Chăm lo đời sống nhân dân còn là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, phải “gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc”. “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Vì vậy, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đã gấp rút lãnh đạo xây dựng chế độ mới, thiết chế Nhà nước Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước do dân làm chủ, của nhân dân và vì nhân dân. Bên cạnh nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là cứu đói cho dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phát động “diệt giặc dốt” nhằm xóa nạn mù chữ cho nhân dân, để mỗi người dân biết “quyền lợi và bổn phận của mình” như là công dân của một nước độc lập. “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” cũng chính là “mẫu số chung để đoàn kết toàn dân Việt Nam, là cơ sở thống nhất tư tưởng, xây dựng niềm tin, phát huy tinh thần và nội lực dân tộc trong công cuộc giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Phát huy vai trò nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Kiên định con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra, qua hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua những thử thách khắc nghiệt của lịch sử để đạt được thành tựu to lớn, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Bài học thứ hai trong 5 bài học đúc rút từ 35 năm đổi mới là “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, đạt mục tiêu lớn mà Đại hội XIII đề ra là đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, độc lập chủ quyền và sự phát triển của đất nước vẫn còn hiện hữu, cần huy động tối đa nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó phát huy sức mạnh của nhân dân có vai trò hết sức quan trọng.
Muốn vậy, trước hết cần tiếp tục khẳng định, làm rõ và cụ thể vai trò làm chủ của nhân dân. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, có quyền tham gia vào các công việc của Nhà nước, giám sát hoạt động quản lý nhà nước và phản biện xã hội, quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ vận mệnh của đất nước. Xây dựng và bảo đảm trên thực tế các cơ chế về kiểm tra, giám sát, đánh giá của nhân dân để điều chỉnh hoạt động của mình. Loại bỏ cho được tâm lý coi thường nhân dân - một căn bệnh của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay.
Tiếp tục xây dựng, bồi đắp và thực hành năng lực làm chủ của nhân dân để nhân dân thực sự làm chủ đất nước. Phát huy dân chủ phải gắn liền với nâng cao dân trí, bảo đảm dân quyền. Tiếp tục hoàn thiện thể chế thực thi các quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chăm lo lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu trong mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước. Đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người, xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn.
Tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân với vai trò cầm quyền của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là yếu tố căn cốt, nền tảng. Niềm tin đó phải xuất phát từ sự đúng đắn trong đường lối, chủ trương, định hướng phát triển đất nước, từ thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, từ nền hành chính liêm chính, phục vụ nhân dân, từ những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức “thực đức, thực tài”, thực sự là công bộc của dân, biết đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết, trước hết.
Niềm tin của nhân dân là cơ sở quan trọng để vun đắp, củng cố sự đoàn kết, nhất trí, tạo được sự đồng thuận trong xã hội; khơi nguồn sáng tạo, hứng khởi và phát huy trách nhiệm xã hội, khát vọng chấn hưng đất nước của mỗi người dân với đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước./.
L.T.H